Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13705044
Luận văn Thạc sĩ Thứ bảy, 21/12/2024
Tác giả: Nguyễn Khánh Linh
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành Âm nhạc
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Tài Hưng
Ngày đăng: 06/05/2020

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài

         Bossa Nova là một phong cách âm nhạc latin được hình thành từ thập niên 1950 tại Brazil. Du nhập vào Mỹ đầu thập niên 1960, Bossa Nova nhanh chóng lan tỏa, trở thành một phong cách âm nhạc thịnh hành trên thế giới. Trước đó, dòng nhạc latin được du nhập vào Việt Nam qua các phương tiện radio, đĩa nhạc, sàn khiêu vũ, câu lạc bộ, v.v… từ thập niên 1930. Từ nửa sau thế kỷ XX tới nay nhiều ca khúc, bản nhạc latin rất được phổ biến và ưa chuộng bởi nhiều thế hệ khán giả trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam còn rất thiếu những chuyên gia, nghệ sĩ, nhạc công (trong đó có các nhạc công đàn phím điện tử) được đào tạo bài bản tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp về phong cách Bossa Nova.

         Ở Việt Nam, từ thập niên 1980, cây đàn phím điện tử trở thành một nhạc cụ rất phổ biến và dần được đưa vào giảng dạy ở bậc sơ-trung cấp và cao đẳng tại một số cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, trong đó có Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam (HVANQGVN) (từ năm 1991). Trong thực tiễn giảng dạy chuyên ngành E. Keyboard bậc đại học tại Học viện hiện nay, Bossa Nova là một trong những phong cách latin cơ bản. Tuy nhiên thực trạng còn một số hạn chế như lộ trình giảng dạy còn chưa có tính đồng bộ; danh mục tác phẩm phục vụ giảng dạy thiếu tính cập nhật; thiếu những công trình nghiên cứu về lĩnh vực giảng dạy phong cách Bossa Nova trên cây đàn E. Keyboard. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về giảng dạy phong cách Bossa Nova, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành E. Keyboard tại Học viện. Chính vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Giảng dạy phong cách Bossa Nova hệ đại học chuyên ngành Electronic Keyboard tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam” cho luận văn thạc sĩ của mình.

  1. Lịch sử đề tài
  2. John P. Murphy, “Music in Brazil”, Oxford University, 2006.
  3. Herbert Schramowski, “Những mô hình sáng tạo trên đàn phím”, VEB Deutscher,1977.
  4. Hoàng Thị Vân, Luận văn thạc sĩ, 2014 - “Phong cách Swing trong giảng dạy Keyboard Jazz tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam” và nhiều công trình nghiên cứu khác được dẫn trong phần tài liệu tham khảo.
    1. Mục đích nghiên cứu

         Nghiên cứu về thực trạng giảng dạy phong cách Bossa Nova tại khoa AGO, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từ đó tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. 

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

         Đối tượng nghiên cứu: Thực trạng giảng dạy phong cách Bossa Nova; chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard ở HVANQGVN; thực trạng giảng dạy phong cách Bossa Nova và yếu tố học viên thuộc chuyên ngành E. Keyboard. 

         Phạm vi nghiên cứu: Những tác phẩm đàn phím độc tấu phong cách Bossa Nova phù hợp với trình độ đại học, chuyên ngành E. Keyboard.

 

5. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp phi thực nghiệm: phân tích, đánh giá, thu thập tài liệu giảng dạy, chất lượng học sinh.

- Phương pháp thực nghiệm: kiểm chứng, đối chứng, so sánh, đúc kết từ quá trình giảng dạy.

- Phương pháp khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia.

6. Ý nghĩa khoa học và những đóng góp của luận văn

- Là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về lĩnh vực giảng dạy phong cách Bossa Nova trên đàn E. Keyboard, đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các giảng viên âm nhạc, nhạc công, nghệ sĩ biểu diễn keyboard trong lĩnh vực âm nhạc latin, âm nhạc đại chúng.

- Bổ sung một số tác phẩm phong cách Bossa Nova phù hợp với trình độ đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành E. Keyboard tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.  

  1.  Bố cục của luận văn

         Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ Lục, luận văn gồm 2 chương:

Chương 1: Phong cách âm nhạc Bossa Nova và thực trạng giảng dạy

Chương 2: Những giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy Bossa Nova

 

         

 

 

CHƯƠNG 1

 PHONG CÁCH BOSSA NOVA VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

1.1        Khái quát về phong cách âm nhạc Bossa Nova

1.1.1 Sự hình thành và phát triển

         Bossa Nova là một trong những phong cách âm nhạc Latin nổi tiếng và được yêu thích rộng rãi trên thế giới. Phong cách này có nguồn gốc từ một thể loại âm nhạc dân gian của Brazil, có ý nghĩa là “xu hướng mới” (Bossa Nova: t. Bồ Đào Nha, t. Anh: New tendency

a. Giai đoạn Bossa Nova ra đời tại Brazil

        Âm nhạc  được sinh ra từ vùng phía nam của Rio de Janeiro (bao gồm khu vực Ipanema và Copacabana) từ cuối thập niên 1950, khi một nhóm sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu cùng với  các nghệ sĩ và nhạc sĩ đến với nhau để cùng tạo ra một phong cách âm nhạc mới mẻ. Trong nhóm này nổi lên hai “nhân vật chính” là Antônio Carlos Jobim (1927-1994) và ca sĩ, nghệ sĩ guitar João Gilberto (1931-2019). Ngoài ra có thể kể đến Vinícius de Moraes (1913-1980); Sérgio Mendes; Roberto Menescal; Nara Leao, v.v…

        Vào cuối thập niên 1950, nhóm nghệ sĩ, nhạc sĩ do Tom Jobim thành lập đã trình diễn những tác phẩm của họ để giới thiệu âm nhạc . Nhóm nhạc đã đạt được nhiều thành công trong việc công bố và thu hút đông đảo công chúng theo dõi. Phong cách này dần trở thành một làn sóng âm nhạc mạnh mẽ, được công chúng Rio de Janeiro quan tâm nhiều hơn. 

 

b. Du nhập vào Mỹ (1960)

    "Desafinado" và "Samba De Uma Nota Só" là những ca khúc phong cách Bossa Nova đầu tiên bước vào thị trường âm nhạc Hoa Kỳ đầu những năm 1960. Sauđó, các nghệ sĩ Bossa Nova của nhóm Tom Jobim được mời tham gia trình diễn cùng với nhiều nhạc sĩ Brazil khác trong buổi hòa nhạc lịch sử diễn ra vào năm 1962 tại Carnegie Hall, New York. Kể từ đó, ca khúc "Cô gái đến từ Ipanema" của Tom Jobim đã được trình diễn trên nhiều sân khấu lớn của nước Mỹ qua phần trình diễn của nhiều nghệ sỹ, ca sỹ huyền thoại trong lĩnh vực pop-rock-jazz-latin. Phong cách Bossa Nova nhanh chóng lan tỏa, trở thành một thể loại âm nhạc mang tính quốc tế và hơn thế, chúng ta có thể nhận ra chúng dưới nhiều hình hài khác nhau:

- Tinh thần Bossa Nova được bảo tồn như ban đầu với các âm hình tiết tấu “nguyên thủy”, với cách diễn tấu thuần túy mang đậm tính dân gian Brazil

- Bossa Nova được các nhạc sĩ Jazz tiếp nhận tạo nên sự hình thành của một khuynh hướng mới với phong cách diễn tấu như nhạc Jazz, được thể hiện qua việc vận dụng điệu thức Blues, sự vận hành hòa âm phong phú và có yếu tố ngẫu hứng. 

- Phong cách  thu hút sự chú ý và được đưa vào vận dụng trong sáng tác của các nhạc sĩ dòng âm nhạc hàn lâm. 

c. Từ những năm 1980 đến nay

    Từ những năm 1980, âm nhạc Bossa Nova xuất hiện trở lại trong trào lưu “Brazil Popular Music”. Cho tới những năm gần đây, Bossa Nova ảnh hưởng đến rất nhiều các thế hệ nghệ sĩ khác như ban nhạc Style Council, Everything but The Girl và Jamiroquai, v.v... Bossa Nova còn được đưa vào chương trình giảng dạy của một số trường đại học lớn trên thế giới. 

1.1.2 Một số đặc điểm chính của phong cách Bossa Nova

         a.  Tiết tấu

         Tiết tấu Bossa Nova chứa đựng yếu tố của điệu nhảy (có xuất xứ samba).Tiết tấu Bossa Nova thường sử dụng nhiều đảo, nghịch phách (nhấn vào các nốt rơi vào phách yếu), tạo ra sự nhấn lệch, tạo điểm hẫng, chơi vơi trong tiết tấu. Những yếu tố đảo phách này được sử dụng liên tiếp tạo sự bất ổn định trong dòng phát triển không ngừng của câu nhạc, đoạn nhạc. 

         b.  Giai điệu

    Giai điệu của Bossa Nova thường được viết ở điệu thức trưởng thứ, blues. Giai điệu Bossa Nova được xây dựng theo cấu trúc các quãng liền bậc, điểm xuyết các quãng gần (quãng 3, quãng 4), tạo tính chất uyển chuyển.

    Nếu trong âm nhạc cổ điển, nhạc công bắt buộc phải đáp ứng được sự chuẩn mực, chính xác của giai điệu thì với Bossa Nova, nhạc công có thể diễn tấu giai điệu chủ đề theo cách hiểu và cảm xúc của riêng mình.

    c. Hòa âm

    Đa phần các tác phẩm Bossa Nova thường sử dụng những tiến trình hợp âm như II-V-I, I-IV-II-V, III-IV-II-V, I-II-III-IV, I-IV-I-V,… Một trong những đặc điểm của hòa âm Bossa Nova là sự kết nối, biến đổi và sự giải quyết các hợp âm tạo thành những bè chứa đựng quãng chromatic, quãng liền kề. Hòa âm phần solo phong cách Bossa Nova đương đại luôn sử dụng các hợp âm 7 như: 7 trưởng, 7 thứ, 7 át, 7 giảm,v.v… xuất hiện cùng các âm mở rộng 9,11,13, các nốt biến âm.

    d. Phần biên soạn mang tính sáng tạo cá nhân

    Yếu tố sáng tạo của người diễn tấu phong cách Bossa Nova thể hiện ở việc xây dựng cấu trúc tác phẩm mang tính sáng tạo cá nhân trên một chủ đề. Cấu trúc phổ biến nhất của một tác phẩm Bossa Nova : dạo đầu (intro) -  chủ đề - các vòng solo trên chủ đề - tái hiện chủ đề - kết (ending). 

1.2 Thực trạng giảng dạy

1.2.1 Vài nét về bộ môn E. Keyboard

    Bộ môn E. Keyboard được đưa vào giảng dạy tại khoa Acc-Guitar-E. Keyboard từ năm 1991 (bậc trung cấp). Hiện tại đang giảng dạy ở các bậc Trung cấp 7 năm, Đại học 4 năm, Cao học 2 năm. 

    Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy tại bộ môn hiện nay gồm 12 người, trong đó có 5 giảng viên cơ hữu (1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ); 8 cộng tác viên (1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 4 cử nhân).

    Việc mở ra hệ đào tạo bậc đại học chuyên ngành E. Keyboard tại HVANQGVN là một sự lựa chọn phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bộ môn E. Keyboard đã đào tạo nhiều nghệ sĩ, giảng viên trình độ cao. Một số sinh viên xuất sắc chuyên ngành E. Keyboard đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế và được cử đi học ở nước ngoài. 

1.2.2 Đặc điểm học viên

Thực trạng về yếu tố đầu vào của học viên bậc đại học chuyên ngành E. Keyboard có thể được sắp xếp một cách ước lệ thành hai nhóm:

* Nhóm a: Những học viên từng được đào tạo ở bậc trung cấp E. Keyboard tại Khoa AGO thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhìn chung các em nhóm này được học theo hệ thống chương trình đào tạo chính quy.

* Nhóm b: Những học viên qua đào tạo bậc Trung cấp chuyên ngành E. Keyboard hoặc Piano tại một số cơ sở đào tạo âm nhạc địa phương. Với những điều kiện đặc thù và tiêu chí đào tạo rất đa dạng của từng trường, học viên thuộc nhóm này nhìn chung có nền tảng kỹ thuật diễn tấu cơ bản cũng như mảng kiến thức âm nhạc tổng hợp tương đối hạn chế

    Một đặc điểm nữa cần nhắc đến liên quan đến đó là đặc điểm tâm sinh lý của sinh viên Việt Nam thường gặp khó khăn về tiết tấu khi học các tác phẩm nước ngoài. Ngoài ra, nhiều em có cá tính rụt rè, ngại biểu lộ cảm xúc một cách cởi mở, nên chưa thể hiện được hết được tính chất phóng khoáng của dòng âm nhạc này. 

    Nhiều sinh viên còn thiếu sự chủ động tìm tòi, học hỏi về phong cách latin nói chung, Bossa Nova nói riêng cả về khía cạnh đặc điểm lịch sử, phong cách cũng như về khía cạnh xử lý những tác phẩm phong cách Bossa Nova được trình diễn bởi các nghệ sĩ bậc thầy.

    Một vấn đề nữa là do phần đông sinh viên tranh thủ thời gian đi làm thêm, dạy thêm làm ảnh hưởng đáng kể đến kết quả học tập, rèn luyện của các em.

1.2.3 Chương trình đào tạo

    Chương trình đào tạo chuyên ngành E.Keyboard bậc đại học sau khi được Hội đồng khoa học nhà trường thông qua vào năm 2014,đã chính thức được đưa vào giảng dạy tại Khoa AGO, trong đó Bossa Nova là một trong những phong cách cơ bản được đưa vào giảng dạy từ những năm học đầu tiên. Chương trình này là sự đúc kết tâm huyết nhiều năm của đội ngũ các thầy cô trong khoa AGO. Qua quá trình nghiên cứu và khảo sát ý kiến các giảng viên trong bộ môn, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề như: Nội dung học phần giảng dạy phong cách Bossa Nova còn chưa có sự thống nhất giữa các giảng viên. Ngoài ra, chưa có sự cân đối, nhất quán về khối lượng thời gian, số lượng tác phẩm giảng dạy dành cho từng phong cách (trong số 5 phong cách pop-rock-jazz-latin do bộ môn quy định).

    Bên cạnh đó, tài liệu giảng dạy, bao gồm những tác phẩm mới viết theo phong cách Bossa Nova, cũng như sách nghiên cứu, sách hướng dẫn về diễn tấu phong cách này cũng chưa được cập nhật thường xuyên và chưa được biên soạn thành giáo trình giảng dạy. 

1.2.4 Vấn đề giảng dạy phong cách Bossa Nova

     a. Vấn đề tiết tấu

    Như đã đề cập trong tiểu mục về đặc điểm phong cách Bossa Nova, tiết tấu đảo phách kết hợp với việc nhấn vào phách yếu    là yếu tố đặc trưng của Bossa Nova. Nhiều sinh viên năm đầu thường gặp khó khăn trong việc diễn tấu những chuỗi đảo phách diễn ra liên tục, đặc biệt là khi chơi trên tốc độ nhanh. 

    Bên cạnh đó, một số giảng viên không chú ý việc giao cho sinh viên luyện tập các mẫu riff Bossa Nova, đồng thời sinh viên nếu được giao thì cũng chưa thực sự hứng thú tập luyện các câu riff một cách nghiêm túc. Từ đó dẫn đến việc ứng dụng sắp xếp các câu riff vẫn còn thiếu nhuần nhuyễn, vụng về. 

  1. Vấn đề về hòa âm

        Hòa âm trong Bossa Nova là một yếu tố khá phức tạp bao gồm các vấn đề như sắp xếp thứ tự các bè trong từng hợp âm, quy tắc biến hóa các bậc 5, 9, 11, 13, phương pháp mở rộng hòa âm và cách nối tiếp các vòng hòa âm. Sinh viên E. Keyboard còn thiếu sự chủ động sáng tạo trong việc sắp xếp hòa âm và làm mới hòa âm theo phong cách Bossa Nova.

    Nhiều sinh viên mắc lỗi cơ bản như xếp hợp âm nhảy quá xa trong khi diễn tấu chủ đề và xây dựng phần solo, không sử dụng các biến âm ở bậc 5,9,11 trong các hợp âm 7 át, dẫn đến việc thành quả âm nhạc trong phần solo của các sinh viên đó vẫn còn nhạt nhòa, không mang đậm dấu ấn.

c. Về yếu tố diễn tấu mang tính sáng tạo cá nhân.

    Đây là một phần quan trọng trong chương trình đào tạo, bởi nó giúp sinh viên nắm bắt những đặc điểm âm nhạc của từng phong cách.Thực trạng cho thấy, giảng viên thường giao nhiệm vụ cho sinh viện thực hiện diễn tấu phần sáng tạo cá nhân ngay từ kì học đầu. Không chỉ thế, nhiều giảng viên chưa chú trọng hướng dẫn sinh viên một cách có hệ thống về cách thức xây dựng cấu trúc tác phẩm mang tính sáng tạo cá nhân.

Bên cạnh đó, ở bậc đại học, giảng viên không chỉ cần hệ thống hóa lại các dạng thang âm mà còn phải hướng dẫn sinh viên ứng dụng những thang âm đã được học vào phần ứng tấu solo mang tính sáng tạo cá nhân của các em. Không nắm vững vấn đề thang âm,  sinh viên sẽ gặp khó khăn trong tư duy phát triển các câu nhạc của giai điệu chủ đề khi cấu trúc bài solo, hoặc soạn các câu nhạc solo không chính xác về mặt thang âm, hoặc nhầm lẫn giữa thang âm này với thang âm khác. 

     d. Vấn đề về lịch sử, phong cách tác phẩm

     Nhiều sinh viên chỉ chú tâm vào việc vỡ bài, thuộc bài, trong khi một số giảng viên chưa chú trọng việc bồi dưỡng, hướng dẫn, tạo hứng thú cho sinh viên có ý thức nghiên cứu sâu về lịch sử phong cách, đặc điểm âm nhạc của Bossa Nova. Bên cạnh đó, một số giảng viên chưa phân tích kỹ càng về lịch sử, phong cách tác giả, tác phẩm, hình tượng âm nhạc khi giao bài cũng như trong quá trình lên lớp, dẫn đến việc sinh viên không truyền đạt được đầy đủ hình tượng âm nhạc của tác phẩm.

     e. Vấn đề khai thác chủ đề âm nhạc Việt nam

    Nhiều sinh viên chưa thực sự có hứng thú khai thác chủ đề ca khúc hoặc dân ca Việt Nam, do chương tình học không bắt buộc. Bên cạnh đó, nhiều giảng viên chưa đặt ra yêu cầu sát sao, thúc đẩy sinh viên lựa chọn những ca khúc Việt Nam phù hợp diễn tấu theo phong cách Bossa Nova trên đàn phím điện tử. 

     f. Vấn đề khai thác tính năng nhạc cụ 

    Phần lớn sinh viên chưa biết cách khai thác triệt để các tính năng âm thanh, âm sắc phong phú tích hợp trên cây đàn E. Keyboard, hoặc khai thác không đúng cách, không phù hợp với nội dung, phong cách thể loại, tác giả, tác phẩm, hoặc sử dụng âm thanh mô phỏng (voices) sai với đặc tính nhạc cụ gốc.

Tiểu kết chương 1

    Chương 1 của luận văn đã khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của phong cách âm nhạc Bossa Nova, đồng thời đã đề cập đến thực trạng giảng dạy phong cách này trên đàn E. Keyboard tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.

 

CHƯƠNG 2

NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG 

GIẢNG DẠY BOSSA NOVA

 

2.1 Về chương trình đào tạo

2.1.1 Điều chỉnh học phần phong cách Bossa Nova

    Chúng tôi đề xuất một số điều chỉnh trong nội dung chương trình giảng dạy, hệ thống lại nội dung học phần phong cách Bossa Nova, với mục tiêu đạt được tính nhất quán, tính đồng bộ trong giảng dạy phong cách này, đồng thời phù hợp với tổng thể chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard.  

    Học phần Bossa Nova chúng tôi đề xuất gồm ba nội dung chính: tác phẩm nguyên bản; tác phẩm do sinh viên tự biên soạn và hệ thống bài tập kỹ thuật (bao gồm các hệ thống thang âm, tiến trình hòa thanh, các bài luyện mô hình riff Bossa Nova, v.v….)

    Ở học kỳ đầu tiên của đại học 1, chúng tôi đề xuất tập trung giao cho sinh viên học những tác phẩm nguyên bản viết theo phong cách Bossa Nova của các nhạc sĩ, nghệ sĩ bậc thầy thế giới (2-3 tác phẩm); tăng cường rèn luyện các hệ thống thang âm sẽ cần vận dụng như các dạng gam diatonic, blues, pentatonic; các vòng hòa thanh (tiến trình hòa thanh V-I, II-V-I, chromantic với hợp âm 7 trưởng, 7 thứ, 7 át trên toàn bộ 12 bậc) chơi trên các riff tiết tấu Bossa Nova, các mô hình ứng tấu giai điệu chủ đề, v.v.... Từ học kỳ hai, sinh viên bắt đầu tự biên soạn những tác phẩm mang tính sáng tạo cá nhân (số lượng khoảng 3 bài). Trong chương trình bài thi, sinh viên cần trình bày ít nhất một tác phẩm nguyên bản, một tác phẩm tự biên soạn theo phong cách Bossa Nova.

    Ở năm đại học hai, chúng tôi đề xuất tăng số lượng bài giao cho sinh viên tự biên soạn, giảm số lượng tác phẩm nguyên bản, tiếp tục duy trì giao bài luyện kỹ thuật (củng cố thang âm blues, thang âm diatonic, pentatonic; các vòng hòa thanh trên những riff tiết tấu Bossa Nova mới, các tiến trình hòa thanh V-I, II-V-I, chromantic với hợp âm 7 trưởng, 7 thứ, 7 át, 7 giảm, thêm các âm mở rộng 9,11.13 (luyện tập trên toàn bộ 12 bậc). Mỗi học kỳ, sinh viên cần hoàn thành ít nhất 1 tác phẩm nguyên bản, 4 tác phẩm sinh viên tự biên soạn theo phong cách Bossa Nova (quy mô mỗi bài tăng lên, từ 64 -128 nhịp). Trong các chương trình thi cần trình bày ít nhất một tác phẩm nguyên bản mang phong cách Bossa Nova, một tác phẩm tự biên soạn theo phong cách Bossa Nova.

2.1.2 Bổ sung, cập nhật tác phẩm 

Qua quá trình giảng dạy, kết hợp nghiên cứu, trao đổi, xin ý kiến của tập thể giảng viên bộ môn E. Keyboard, chúng tôi xin đề xuất xem xét, tập hợp, đưa vào chương trình giảng dạy một số tư liệu sách, bản phổ phục vụ giảng dạy dưới đây.

Về các bài luyện kỹ thuật, chúng tôi đề xuất cập nhật ba đầu mục sách:“Keyboard Latin Grooves for the creative musician” của tác giả Rogelio Maya, “Latin Jazz Piano Technique”của tác giả Oligario Diaz, “The Bible of the Latin Piano”,của tác giả Alfred Porte, “John Coltrane Patterns” biên soạn bởi Eric Dannewitz . 

Về tác phẩm nguyên bản, chúng tôi đề xuất chọn lựa, cập nhật các tuyển tập “Latin Piano Master the Collection” của nhạc sĩ Michel Camilo, tuyển tâp “Latin Standards” của nhiều tác giả. 

Để phục vụ giảng dạy tác phẩm do sinh viên tự biên soạn mang tính sáng tạo cá nhân, chúng tôi đề xuất bổ sung các bộ sách “Bossa Nova for instrumentalists and vocalist” và “Latin Jazz” của nhà xuất bản Jamey Aebersold. 

2.2 Đổi mới phương pháp giảng dạy

2.2.1 Luyện tập tiết tấu Bossa Nova

    Để diễn tấu tốt Bossa Nova, sinh viên cần được rèn luyện, thẩm thấu những mô hình tiết tấu đặc trưng của phòng cách này.Một trong những khó khăn mà sinh viên E. Keyboard Việt Nam thường gặp vướng mắc là những yếu tố đảo phách, nhấn ngược, lệch phách… thường xuyên xuất hiện trong âm nhạc Bossa Nova. Giảng viên cần đặt trọng tâm vào vấn đề tiết tấu, bằng cách chú ý phân tích nhân tố tiết tấu trong tác phẩm giảng dạy thông qua việc tăng cường giao cho sinh viên những bài tập luyện tiết tấu, các mô hình tiết tấu đặc trưng, cách luyện tập và biến hóa các mẫu riff tiết tấu để vận dụng vào phần diễn tấu tác phẩm nguyên bản cũng như xây dựng phần biên soạn mang tính sáng tạo cá nhân. 

2.2.2 Luyện tập hòa âm

    Trước khi bước vào năm đại học 1, nhiều sinh viên chưa được trang bị kỹ năng chơi thành thạo các vòng hòa thanh trên đàn, bởi vậy, giảng viên cần giao cho sinh viên luyện tập xếp và chơi các vòng hòa âm cơ bản thường sử dụng trong âm nhạc Bossa Nova trên tất cả các bậc, ở các thế rộng và hẹp. Việc củng cố kỹ năng diễn tấu các vòng hòa âm trên đàn giúp sinh viên thuận lợi hơn trong việc vận dụng kết hợp với các mô hình tiết tấu Bossa Nova vào phần biên soạn chủ đề và solo mang tính sáng tạo cá nhân. v.v… 

2.2.3 Về yếu tố diễn tấu mang tính sáng tạo cá nhân

  1. Intro (dạo đầu)

    Intro là một đoạn nhạc ngắn (khoảng 6-8 nhịp) nhằm dẫn dắt vào chủ đề. Phần intro có thể lấy chất liệu của chủ đề (hoặc cũng có thể sử dụng chất liệu khác tương phản). Vì vậy, có rất nhiều phương án xây dựng phần intro cho tác phẩm phong cách Bossa Nova tự biên soạn, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tham khảo và diễn tấu sáng tạo phần Intro theo những dạng thức phù hợp với hình tượng chủ đề, đồng thời thể hiện được cá tính sáng tạo của từng sinh viên.

b. Diễn tấu chủ đề 

         Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên phân tích cấu trúc của chủ đề gồm các đoạn nhạc, câu nhạc, tiết điệu, cũng như các yếu tố giai điệu, hòa thanh, tiết tấu,từ đó, giúp sinh viên diễn tấu chủ đề có yếu tố sáng tạo với ý đồ diễn tấu rõ ràng, thông qua việc xử lý các điểm nhấn, bố cục cường độ, cách xử lý bè đệm bên tay trái. Sinh viên có thể diễn tấu chủ đề bằng các phương thức như: chân phương, hoặc biến thể tiết tấu, thêm nốt trang sức, hoặc kết hợp cả biến thể tiết tấu và thêm nốt trang sức v.v… Tuy nhiên, khi trình bày chủ đề tái hiện, giảng viên cần lưu ý nhắc nhở sinh viên diễn tấu theo một cách khác để tác phẩm có thể phong phú hơn. 

  1. Rèn luyện diễn tấu phần solo trên chủ đề

Việc xây dựng phần solo cần có ý đồ về cấu trúc, kịch bản âm nhạc sáng sủa, dẫn dắt hợp lý, có cao trào, có yếu tố tương phản giữa các vòng solo, đồng thời đạt được sự hài hòa về tổng thể, thông qua các phương tiện tiết tấu, riff, hòa âm, thang âm, cường độ, âm sắc, kỹ thuật diễn tấu, v.v… Để triển khai diễn tấu phần biên soạn cá nhân, giảng viên có thể giao cho sinh viên tập những mẫu câu có sẵn lấy kinh nghiệm để học tập, hướng dẫn các em tự biên soạn những mẫu câu của mình, vận dụng, sắp xếp ý nhạc, câu nhạc vào phần solo của mình.

    Trong phần biên soạn mang tính sáng tạo cá nhân, sinh viên cần phải viết và diễn tấu từ 2-3 vòng solo. Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên E. Keyboard tập luyện các mẫu câu theo vòng hòa thanh, tự biên soạn các mẫu câu, kết hợp vận dụng những thang âm thường dùng trong phong cách Bossa Nova vào phần biên soạn mang tính sáng tạo cá nhân của mình.

d. Ending (đoạn kết)

    Các đoạn ending thường thiên về xử lý cường độ, với một số cách thực hiện như: câu cuối của chủ đề (hoặc mẫu riff) được chơi lặp đi lặp lại, nhỏ dần và xa dần; một câu rải với nốt cuối cùng là nốt treo ngoài hợp âm tạo hiệu ứng kết mở, v.v… Mỗi cách thức đều có một màu sắc riêng, đem lại hiệu quả cho tác phẩm biên soạn và ý đồ của người biên soạn. 

2.2.4 Vấn đề lịch sử, phong cách tác phẩm

         Giảng viên cần chú trọng phân tích về khía cạnh lịch sử hình thành và phát triển của phong cách Bossa Nova, có thể phân tích thông qua chính những tác phẩm mà giảng viên giao cho các em tập luyện.  Giảng viên cũng cần tạo hứng thú cho sinh viên, thúc đẩy các em chủ động tìm hiểu về lịch sử phong cách Bossa Nova. 

    Ngoài giờ lên lớp cá nhân, giảng viên có thể tập hợp một nhóm sinh viên trong lớp cùng nghe một tác phẩm Bossa Nova, đặt câu hỏi, gợi ý từng sinh viên trong nhóm mạnh dạn phát biểu, nhận xét, đưa ra ý kiến riêng của mình. Giảng viên cần khuyến khích các ý kiến phản biện, tranh luận sôi nổi trong nhóm, thúc đẩy sinh viên có tư duy phân tích tác phẩm, biết lắng nghe và phản biện, có ý thức độc lập tìm hiểu kỹ lưỡng về từng phong cách âm nhạc 

2.2.5 Sử dụng chủ đề âm nhạc Việt Nam

    Trong chương trình giảng dạy, bộ môn E. Keyboard khuyến khích sinh viên lựa chọn chủ đề ca khúc Việt nam để xây dựng phần sáng tạo cá nhân theo phong cách Bossa Nova.Ở khía cạnh này, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên lựa chọn những chủ đề ca khúc Việt Nam phù hợp với phong cách dự định tiến hành biên soạn, hướng dẫn sinh viên xây dựng bố cục cấu trúc cho phần sáng tạo cá nhân.

    Dựa trên những khía cạnh về tính chất âm nhạc này, giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên lựa chọn những ca khúc trữ tình Việt Nam có tính chất lãng mạn, phù hợp với tiết tấu nhẹ nhàng, uyển chuyển của Bossa Nova như một số ca khúc Cát bụi, Mưa Hồng, Chiếc lá thu phai, Chiều một mình qua phố, Chuyện đóa Quỳnh Hương, Dấu chân địa đàng, Còn tuổi nào cho em, Hoa xuân ca, Nhìn những mùa thu đi, v.v…

2.2.6 Khai thác tính năng nhạc cụ

Với hệ thống các âm sắc mô phỏng (voices) rất phong phú và đa dạng được tích hợp trên cây đàn E. Keyboard hiện đại, người chơi E. Keyboard cần  có sự tìm tòi sáng tạo,  khai thác triệt để tính năng này để phục vụ cho việc thể hiện nội dung, phong cách âm nhạc của loại hình Bossa Nova một cách phù hợp và hiệu quả.

Thành phần ban nhạc chơi Bossa Nova thời kỳ đầu thường bao gồm giọng hát, guitar classic dây nylon, guitar bass acoustic, piano. Ngoài ra còn có các loại nhạc khí shaker, pandeiro điểm xuyết tạo hiệu ứng bổ sung. Người chơi E. Keyboard cần nắm vững những thành phần nhạc cụ thường gặp trong âm nhạc Bossa Nova truyền thống, đồng thời có những tìm kiếm mới về âm sắc để vận dụng, khai thác một cách hợp lý tính năng voices tích hợp trên cây đàn E. Keyboard hiện đại. 

Vai trò của cây đàn guitar trong âm nhạc Bossa Nova khá quan trọng, bởi tính chất âm thanh mềm mại, nhẹ nhàng của nó rất tương đồng với tính chất âm nhạc uyển chuyển, lịch lãm của Bossa Nova. Người chơi E. Keyboard cần chọn tiếng guitar classic/guitar nylon có tính chất âm thanh “mộc” để diễn tấu những bè, đoạn nhạc phù hợp trong tác phẩm Bossa Nova. Khi mô phỏng một hợp âm trên đàn guitar, người chơi E. Keyboard cần xếp và chơi dạng hợp âm có từ 5-6 nốt (bởi guitar có 6 dây), các nốt cách nhau quãng 3 đến quãng 5. Khi diễn tấu hợp âm dưới dạng nét rải arpeggio, người chơi cần lướt lần lượt các nốt từ trên xuống dưới hoặc ngược lại.  Một điểm cần lưu ý khi mô phỏng hợp âm guitar trên đàn E. Keyboard là người chơi nên chuyển tiếp các hợp âm kiểu liền bậc, tránh nhảy quãng xa khi nối tiếp từ hợp âm này sang hợp âm khác.

    Tiếp theo, khi mô phỏng giai điệu của guitar, người chơi E. Keyboard cần tô điểm thêm các nốt hoa mỹ hoặc các luyến láy cho giai điệu, sử dụng con lăn Pitch Bend (lăn chiều lên) tạo hiệu ứng rung âm, luyến láy âm khi ngân giữ một nốt, có thể kết hợp cùng tiếng choir (hợp xướng) làm phông nền cho tiếng guitar.

 

 

2.3 Giảng dạy thực nghiệm 

  1. Mục đích, đối tượng, giáo án và nội dung thực nghiệm

* Mục đích

    Mục đích chính của việc dạy thực nghiệm là để xác minh tính thực tiễn, tính ứng dụng và tính khoa học của những giải pháp đã được nêu ra trong luận văn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành E. Keyboard tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.

    Kết quả của việc giảng dạy thực nghiệm sẽ được đánh giá qua mức độ tiếp thu bài trên các nội dung: bài tập thang âm, bài tập hòa thanh, bài tập tiết tấu.

* Đối tượng

Sinh viên E. Keyboard được tập trung học phong cách Bossa Nova trong năm đại học 1 và đại học 2, nên chúng tôi chia làm 2 nhóm dạy thực nghiệm

  • Nhóm 1: lớp Đại học 1 chuyên ngành E. Keyboard (gồm 3 sinh viên)
  • Nhóm 2: lớp Đại học 2 chuyên ngành E. Keyboard (gồm 3 sinh viên)
  • Thời gian thực nghiệm: 8 tuần đầu học kỳ I năm học 2019-2020 
  • Từ ngày 8/9/2019 đến ngày 31/10/2019
  • Số buổi giảng dạy: 2 buổi/1 tuần (16 buổi)

* Nội dung

         Chúng tôi áp dụng những giải pháp đã đề xuất vào thực nghiệm sư phạm, cụ thể gồm những nội dung chính như: áp dụng nội dung chương trình đã đề xuất, phương pháp luyện tập thang âm, tiết tấu, hòa âm, phương pháp xây dựng phần sáng tạo cá nhân, phương pháp khai thác tính năng nhạc cụ.

* Giáo án 

    Dựa trên những giải pháp đã đề xuất, chúng tôi tiến hành xây dựng giáo án với các giáo trình đã được đề xuất trong luận văn, sau đó áp dụng vào giảng dạy nhóm sinh viên đã được chọn lọc sẵn.

  1. . Đánh giá kết quả thực nghiệm

a. Nhóm sinh viên E. Keyboard Đại học 1

* Nhóm thực nghiệm

    Về thái độ, tinh thần học tập hăng say hơn do được hiểu rõ về phong cách Bossa Nova thông qua các bài tập tiết tấu rõ ràng, qua việc được nghe nhạc thường xuyên dưới sự phân tích của giảng viên, có ý thức tự rèn luyện cao hơn.

    Về kỹ năng, khả năng thị tấu và ứng biến hòa âm của sinh viên nhanh nhạy hơn.

    Sinh viên tập luyện có bài bản, tuân thủ các bước luyện tập từ chậm đến nhanh, có tư duy nhịp phách và vận dụng luyện tập cùng với nhịp tốt, trình bày chủ đề rõ ràng, ra màu của phong cách, phần sáng tạo đơn giản nhưng đáp ứng được đủ các yêu cầu chương trình đề ra.

* Nhóm đối chứng

    Thái độ học tập chưa thực sự hăng say.

    Khả năng thị tấu và ứng biến hòa âm còn hạn chế, chủ yếu thường luyện tập theo cảm tính và thiếu sự kiên nhẫn, không tập trung sửa những chố yếu kém.

    Sinh viên chưa làm chủ được nhịp phách, dẫn đến việc không tạo nên màu sắc, sự hài hòa của âm nhạc Bossa Nova, khả năng ứng dụng vào các vòng hòa thanh, các chủ đề có sẵn chưa cao. 

b.   Nhóm sinh viên E. Keyboard Đại học 2

* Nhóm thực nghiệm

    Sinh viên được củng cố kiến thức về mặt tiết tấu, hòa âm, thang âm một cách có hệ thống nên việc nâng cao độ khó trong phần sáng tạo cá nhân trở nên thuận lợi hơn.

    Kỹ thuật ngón bấm của sinh viên trở nên nhanh nhạy hơn.

* Nhóm đối chứng

    Trình độ của sinh viên không khác biệt nhiều so với năm Đại học 1.

    Ngón bấm chưa thực sự nhạy bén, nhịp phách tiết tấu lúc nhanh lúc chậm, chưa làm chủ được tốc độ.

Tiểu kết chương 2

    Trong phạm vi chương 2, chúng tôi nêu đề xuất về lộ trình giảng dạy phong cách Bossa Nova cho sinh viên chuyên ngành E. Keyboard tại HVANQGVN, đồng thời đề xuất một số đầu sách phục vụ giảng dạy, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách Bossa Nova. 

 

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

 

Từ nửa sau thế kỷ XX, sự giao thoa, pha trộn giữa các nền văn hóa, xu thế toàn cầu hóa trong âm nhạc, đặc biệt là các dòng âm nhạc đại chúng  pop-rock-latin trở thành xu thế nổi bật, đặc biệt nhờ sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật truyền thông và hệ thống internet toàn cầu. Sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của phong cách Bossa Nova nói riêng, âm nhạc latin nói chung đều không nằm ngoài xu thế đó. 

Chuyên ngành E. Keyboard được đưa vào giảng dạy ở bậc đại học tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam từ năm 2014 với nội dung giảng dạy hướng tới sự đa dạng hóa về các phong cách âm nhạc pop-rock-jazz-latin trong đó có phong cách Bossa Nova. Được sự động viên của nhà trường, khoa, bộ môn và dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, thông qua đề tài này, chúng tôi tiến hành một số phân tích, khảo sát về thực trạng giảng dạy phong cách Bossa Nova, từ đó mạnh dạn khuyến nghị một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy: 

   Đề xuất về lộ trình giảng dạy phong cách Bossa Nova, nằm trong sự cân đối về khối lượng giảng dạy với các phong cách khác trong yêu cầu tổng thể của chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard do nhà trường ban hành.  Việc đề xuất lộ trình giảng dạy phong cách Bossa Nova cần cân nhắc đến tỷ lệ khối lượng tác phẩm giảng dạy bao gồm những tác phẩm nguyên bản, bài luyện kỹ thuật và bài do sinh viên biên soạn mang tính sáng tạo cá nhân; Tăng cường bổ sung, cập nhật tài liệu giảng dạy, làm giàu danh mục tác phẩm giảng dạy.

Đề xuất bộ môn bổ sung những chuyên đề về hòa âm, chuyển soạn, phối khí, kỹ năng diễn tấu âm nhạc pop-rock-latin nói chung, phong cách Bossa Nova nói riêng; tổ chức nhiều hơn những buổi biểu diễn, giao lưu của thầy và trò chuyên ngành E. Keyboard; thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức các buổi hội thảo về chuyên môn trong và ngoài nước để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. 

 

 

 

 

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn