Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13705124
Luận văn Thạc sĩ Thứ bảy, 21/12/2024
Tác giả: Tôn Nữ Diệu Linh
Tên đề tài: “Nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc khối 6 thông qua các giờ thực hành sáo Recorder tại trường Trung học Cơ sở Nguyễn Tri Phương - Ba Đình - Hà Nội.”
Chuyên ngành: Lý Luận và Phương pháp giảng dạy âm nhạc
Mã số: 60 14 01 11
Cán bộ hướng dẫn khoa học:  PGS.TS Lê Anh Tuấn
Ngày đăng: 25/07/2020

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Tại Việt Nam, môn Âm nhạc được đưa vào các trường học từ Mầm non, Tiểu học cho đến THCS. Và sắp tới đây theo lộ trình đổi mới của Bộ GD & ĐT thì môn Âm nhạc sẽ được dạy học ở cấp Trung học phổ thông, đây vừa là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và cũng là định hướng nghề nghiệp cho các em. Một trong những đổi mới của chương trình sách giáo khoa mới đó là đưa nhạc cụ trở thành một phân môn chính trong chương trình.

Mục tiêu và nhiệm vụ của môn Âm nhạc ở trường THCS hiện nay là trang bị cho HS một số kiến thức về kỹ năng ca hát, đọc và nghe nhạc; về lý thuyết âm nhạc ở mức độ đơn giản để các em có thể tham gia vào các hoạt động âm nhạc của cộng đồng; hình thành cho HS những hiểu biết sơ đẳng về cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc, về ý nghĩa và tác dụng của âm nhạc với đời sống; làm phong phú thế giới tinh thần, giúp phát triển nhân cách học sinh một cách hài hòa, toàn diện, hướng đến sự phát triển toàn diện về Đức- Trí- Thể- Mỹ.

Làm sao để mỗi giờ học âm nhạc là giờ học được các em mong chờ nhất, và trong giờ học đó các em được thể hiện mình nhiều hơn? Mong muốn các em ngoài việc ca hát có thể tự chơi được một nhạc cụ. Việc chơi nhạc cụ sẽ giúp các em không còn bị cản trở bởi việc đọc nốt nhạc. Chơi nhạc cụ sẽ là một lựa chọn tốt đối với những HS không tự tin với giọng hát của mình, bởi lứa tuổi THCS là giai đoạn các em đang bước vào giai đoạn phát triển tâm sinh lý, giai đoạn các em đang trong thời điểm “vỡ giọng”. 

Vì những lí do đó, tôi chọn đề tài: Nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc khối 6 thông qua các giờ thực hành sáo Recorder tại trường Trung học Cơ sở Nguyễn Tri Phương - Ba Đình - Hà Nội.

2. Đối tượng nghiên cứu

- Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc hiện hành (2006) và SGK, SGV do Bộ GDĐT phát hành.

- Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc và SGK mới (2018) của Bộ GDĐT.

- Phương pháp và kĩ thuật chơi sáo Recorder, sử dụng nhạc cụ này để nâng cao chất lượng dạy học Âm nhạc cho HS lớp 6.

- GV dạy Âm nhạc và HS khối 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương

- Hoạt động giảng dạy Âm nhạc chính khoá và hoạt động ngoại khoá của HS khối 6.

3. Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian: Đề tài tập trung nghiên cứu về phương pháp và nội dung dạy sáo Recorder, kết hợp với các nội dung khác trong chương trình để góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Âm nhạc cho HS lớp 6; nghiên cứu điều kiện triển khai dạy Recorder cho HS lớp 6 ở trường THCS Nguyễn Tri Phương.

- Về thời gian: Từ năm 2018 - 2020.

4. Mục tiêu nghiên cứu

- Tìm hiểu, đánh giá việc dạy học môn âm nhạc tại trường THCS Nguyễn Tri Phương để xác định những ưu điểm đã đạt được và những hạn chế, bất cập cần khắc phục.

- Tìm hiểu hiệu quả của việc học sáo Recorder có ảnh hưởng tới chất lượng dạy học Âm nhạc tại trường THCS Nguyễn Tri Phương, từ đó nghiên cứu đề xuất những biện pháp dạy học đan xen sáo Recorder cho HS lớp 6.

5. Phương pháp nghiên cứu

      Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn thuộc loại hình nghiên cứu ứng dụng, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp nghiên cứu lí thuyết: Bao gồm các phương pháp sưu tầm tài liệu, thống kê và phân loại tài liệu, phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh để làm cơ sở cho việc xác định các giải pháp được đề xuất trong công trình nghiên cứu của mình.

- Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm: Thực nghiệm dạy Recorder và đánh giá kết quả.

- Phương pháp nghiên thực tiễn: Điều tra, khảo sát, xin tư vấn của chuyên gia.

6. Đóng góp của đề tài

- Với kết quả nghiên cứu của đề tài thông qua các giải pháp được đề xuất trong luận văn, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Âm nhạc cho HS khối 6 tại trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội. 

Việc hoàn thành luận văn cũng là những bước đi đầu tiên để chúng tôi không ngừng nâng cao trình độ nghiên cứu và dạy học của bản thân trong quá trình công tác. Từ đó sẽhướng tới mở rộng, nâng cao chất lượng dạy môn âm nhạc cho các khối lớp 7, lớp 8, lớp 9tại trường THCS Nguyễn Tri Phương.

7. Bố cục của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, luận văn gồm có 2 chương:

Chương 1: Cơ sở lí luận và thực trạng giáo dục âm nhạc tại trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương

Chương 2: Sử dụng sáo Recorder để nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc tại trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương

 

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG GIÁO DỤC ÂM NHẠC TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN TRI PHƯƠNG

 

1.1.      Cơ sở lý luận

Với mục đích nghiên cứu để nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc tại trường THCS Nguyễn Tri Phương, chúng tôi tập hợp, nghiên cứu vai trò của giáo dục âm nhạc trong nhà trường để kiểm chứng, khẳng định. 

 

1.1.1. Vai trò của giáo dục âm nhạc trong nhà trường

1.1.1.1. Âm nhạc góp phần phát triển các năng lực thẩm mĩ

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật sử dụng âm thanh để diễn tả cảm xúc, thái độ, nhận thức và tư tưởng của con người. Âm nhạc là một phần thiết yếu của các nền văn hoá, gắn bó và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Âm nhạc làm phong phú những giá trị tinh thần của nhân loại, là phương tiện giúp con người khám phá thế giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển các năng lực thẩm mĩ: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Ngoài ra, thông qua nội dung hoạt động âm nhạc và phương pháp dạy học, việc giáo dục âm nhạc sẽ góp phần phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần.

Âm nhạc là sự sáng tạo và kết hợp giữa những âm hình tiết tấu, màu sắc hoà thanh, giai điệu uyển chuyển… từ đó tạo nên những hình tượng âm nhạc khác nhau. Việc lựa chọn nội dung dạy học cần phải có sự nghiên cứu phù hợp với đối tượng, sao cho HS khi học âm nhạc sẽ cảm thấy tâm hồn phấn chấn và sở thích thẩm mỹ thêm phong phú.

Khi học âm nhạc, sự tập trung sẽ đồng thời kích thích phát triển thần kinh, phát huy trí tưởng tượng và sự khéo léo của các em. Khi thể hiện âm nhạc, các em sẽ phải luyện tập và điều chỉnh có sắc thái, tình cảm để đạt được sự truyền cảm. Điều đó thúc đẩy sự tưởng tượng và nâng cao khả năng nghe nhạc.

Thẩm mỹ âm nhạc gồm có các nội dung: nhận thức lành mạnh về cái đẹp, yêu thích nghệ thuật chuẩn mực. Trong quá trình bồi dưỡng nhân cách của học sinh, thẩm mỹ là điều kiện không thể thiếu trong việc giúp các em nhận thức và có thái độ đúng đắn với cái thiện cái ác, theo đuổi chân lý, dựa theo quy luật của cái đẹp để hoàn thiện nhân cách; âm nhạc dựa vào đặc tính độc đáo của nó gợi mở những cung bậc cảm xúc khác nhau, do đó sẽ phát huy tác dụng không thể thay thế trong quá trình bồi dưỡng tâm hồn thanh cao và lòng say mê nghệ thuật của con người.

1.1.1.2. Âm nhạc góp phần giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh

Âm nhạc là môn nghệ thuật có nội dung biểu cảm phong phú nhất, chuyển tải tâm tư tình cảm, có tác động mãnh liệt và sâu sắc đối với nhận thức của con người. Âm nhạc đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam. Thông qua âm nhạc, các em được giáo dục tình cảm yêu quê hương, đất nước với những vẻ đẹp gần gũi, thân thuộc. Không chỉ vậy, mối quan hệ gia đình đầy ý nghĩa và bền chặt khi hát lên những bài hát về tình yêu thương bố mẹ, ông bà, anh chị em. Sự gắn bó huyết thống, ruột thịt có ảnh hưởng lớn đến các em, tạo nên sự ổn định vững vàng tâm lý từ lúc còn thơ đến tuổi trưởng thành, làm nền tảng cho mối quan hệ, ứng xử xã hội mai sau.

Học nhạc cụ là một trong những cách rất tốt để rèn tính kiên trì, sự tập trung cho HS. Khi học nhạc cụ, các em phải học cách đọc nhạc, nắm bắt các nốt nhạc, nhịp phách... Tất cả những kỹ năng này đòi hỏi sự tập trung và kiên trì tập luyện của các em. Vững vàng và tự tin là điều rất cần thiết cần được trau dồi cho các em ngày càng trưởng thành hơn trong cuộc sống.

1.1.1.3. Âm nhạc góp phần thúc đẩy sự phát triển trí tuệ học sinh

Thực tế cho thấy Âm nhạc gắn liền với sự phát triển trí thông minh nói chung. Các nghiên cứu cũng mang lại những bằng chứng cho thấy rằng, đơn thuần chỉ nghe nhạc từ lứa tuổi nhỏ có thể giúp cho trí não phát triển, vì thế một chương trình giáo dục Âm nhạc được soạn thảo dài hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Có thể nói, giáo dục Âm nhạc khiến trẻ em trở nên thông minh hơn và trở thành những nhân cách tốt hơn.

Vai trò của giáo dục âm nhạc trong giáo dục toàn diện không chỉ đơn thuần là môi trường truyền tải kiến thức, mà còn được thể hiện trong vai trò khám phá những khả năng trí tuệ đặc biệt của con người. Âm nhạc bắt nguồn từ đời sống, vì vậy có mối liên quan mật thiết với tự nhiên và xã hội, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội và các hiện tượng tự nhiên. Có thể nói lịch sử phát triển của âm nhạc cũng chính là lịch sử phát triển của xã hội. Từ góc độ sinh lý học, âm nhạc khai phá khả năng trí tuệ của con người là phù hợp với quy luật của khoa học. 

Học âm nhạc đòi hỏi sự hoạt động liên tục của trí óc. Vì vậy, kỹ năng học thuật và tư duy logic của học sinh cũng được rèn luyện. Khi học nhạc cụ, học sinh sẽ được phát triển kỹ năng nghe và khả năng tư duy logic hông qua việc học và chơi tác phẩm do sự tác động củaâm thanh.

Giáo dục âm nhạc luyện khả năng ghi nhớ, giúp rèn luyện não phải, tăng khả năng phát triển của não phải, có tác dụng trong việc nâng cao khả năng phát triển toàn diện trí lực của con người. Giáo dục âm nhạc không chỉ là một bộ môn nghệ thuật mà còn là bộ môn nhân học, bởi vì đối tượng của âm nhạc là con người. Âm nhạc giúp các em nhanh chóng phát triển tư duy tưởng tượng, suy luận theo phương pháp liên hệ, so sánh giữa thế giới trong nghệ thuật với cuộc sống hàng ngày.

1.1.1.4. Âm nhạc là phương tiện góp phần phát triển thể chất học sinh

Âm nhạc là nghệ thuật cảm xúc, nó thông qua những giai điệu mềm mại làm hưng phấn thần kinh, điều tiết cảm xúc, giảm bớt áp lực, chữa trị các chứng bệnh tâm lý. Sức biểu cảm của ngôn ngữ âm nhạc được thể hiện thông qua các phương tiện diễn tả như giai điệu, nhịp độ, cường độ, hình thức, hoà âm… Với các phương tiện diễn tả đó, âm nhạc có sức mạnh vô cùng to lớn trong việc thể hiện một cách tinh tế thế giới nội tâm của con người. 

Cùng với sự phát triển tiến bộ của nhân loại về mọi mặt trong lĩnh vực của đời sống xã hội thì ngành giáo dục Việt Nam nói chung và đặt biệt là giáo dục âm nhạc trong nhà trường trung học cơ sở nói riêng là môn học không thể thiếu trong sự nghiệp giáo dục con người Việt nam mới phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó thông qua những chương trình hoạt động văn nghệ trong nhà trường, những lời ca giai điệu mà học sinh thể hiện giúp các em cảm thụ trọn vẹn hình ảnh quê hương đất nước,tình cảm gia đình gắn bó…

 

1.1.2. Chương trình giáo dục âm nhạc mới với sự xuất hiện sáo Recorder ở Việt Nam

1.1.2.1. Chương trình giáo dục âm nhạc hiện nay 

Ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1980, môn âm nhạc được chính thức đưa vào giảng dạy cho HS phổ thông từ lớp 1 đến lớp 8. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu giáo viên, dạy học âm nhạc chỉ thực hiện được ở các trung tâm đô thị lớn mà thôi. Mãi đến năm 2002, theo chương trình cải cách về nội dung, phương pháp, và sách giáo khoa của Quốc hội Việt Nam, âm nhạc đã được phổ cập cho đối tượng từ lớp 1 đến nửa đầu lớp 9 như là một môn học bắt buộc.

         Sách giáo khoa Âm nhạc được biên soạn thống nhất (về mục tiêu, nội dung, cấu trúc...) từ lớp 1 đến lớp 9. Sách giáo khoa Âm nhạc được thiết kế đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học và tính giáo dục, thuận lợi cho việc tổ chức dạy học. Với cấp trung học cơ sở, thời gian dạy học mỗi tuần là 1 tiết 45 phút, mỗi lớp có số lượng từ 35-45 học sinh.

1.1.2.2. Sự xuất hiện sáo Recorder qua ký kết với Tập đoàn Yamaha Nhật Bản

Ngày 13 tháng 10 năm 2017, tại Trụ sở chính của Bộ GD & ĐT, Tập đoàn Yamaha Nhật Bản và Công ty TNHH Yamaha Music Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) Việt Nam về việc “phát triển giáo dục âm nhạc kết hợp sử dụng nhạc cụ một cách rộng rãi hơn”. Biên bản ghi nhớ được ký kết với sự có mặt của cáclãnh đạo Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Công nghệ Nhật Bản (MEXT) vàĐại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. 

Cùng với dự án “Chương trình giảng dạy và Sách Giáo khoa mới" của Việt Nam năm 2019, từ tháng 1 năm 2016, Yamaha đã hỗ trợ một số trường học và thành lập các câu lạc bộ âm nhạc để thử nghiệm day học recorder, kèn pianica, và các nhạc cụ khác tại Việt Nam. 

1.1.2.3. Nguồn nhân lực dạy sáo Recorder của trường THCS Nguyễn Tri Phương thông qua chương trình tập huấn của hãng Yamaha Music Nhật Bản

Năm 2016, Yamaha Music đã triển khai chương trình tập huấn này cho giáo viên Âm nhạc cốt cán tại Hà Nội trong 3 giai đoạn. Chương trình do Kiyoto Suzuki, đại diện Yamaha Music Nhật Bản biên soạn và giảng dạy tại Việt Nam. Đây cũng là dịp mà đại diện cho nhóm GV âm nhạc trường Nguyễn Tri Phương được tham dự tập huấn. 

 

1.2. Thực trạng dạy học âm nhạc ở trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương

1.2.1. Khái quát về trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương

Trường THCS Nguyễn Tri Phương - địa chỉ 67B Cửa Bắc, quận Ba Đình- được xây dựng nhằm phục vụ con em trên địa bàn phường Điện Biên và phường Quán Thánh. 

Đội ngũ GV của trường đáp ứng được cơ bản về số lượng, vững vàng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp. Phần lớn được thể hiện qua bằng cấp chuyên môn, qua việc tham gia các cuộc thi đua cấp quận, cấp thành phố. Sau 5 năm đi vào hoạt động với số lượng học sinh tăng lên đáng kể, hiện nay số lượng giáo viên của nhà trường cũng được  phát triển để đảm bảo chất lượng giáo dục.

 

1.2.2. Hiện trạng dạy học âm nhạc 

1.2.2.1. Về nội dung dạy học

Hiện nay, nhà trường đang áp dụng triển khai chương trình giáo dục phổ thông đượcban hành theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Môn Âm nhạc lớp 6 gồm 4 phân môn: Học hát, Nhạc lí, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức.

Ngoài chương trình dạy học chính khóa, GV âm nhạc trường Nguyễn Tri Phương còn kiêm nghiệm phụ trách các hoạt động ngoại khóa. Thời gian hoạt động ngoại khóa mang tính cách nhật, không thường xuyên. Thông thường vào những dịp lễ trọng đại. Các hình thức sinh hoạt ngoại khóa tuy không thường xuyên nhưng hình thức học tập này khá thu hút học sinh và các em rất hào hứng tham gia hoạt động. 

1.2.2.2. Về phương pháp dạy học

Để dạy môn âm nhạc trong chương trình Giáo dục Âm nhạc Việt Nam, các GV trường Nguyên Tri Phương đã sử dụng các phương pháp truyền thống như: thuyết trình, thực hành và trực quan... Các phương pháp này được đan xen lồng ghép trong từng nội dung ở phân môn. 

1.2.2.3. So sánh với chương trình dạy học âm nhạc ở trường Quốc tế Anh - BIS Hà Nội

HS thuộc hệ thống giáo dục Quốc tế Anh - BIS Hà Nội được tiếp cận nền giáo dục âm nhạc theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn gìn giữ các giá trị truyền thống Việt Nam tốt đẹp, các em được trải nghiệm và tham gia các ban hợp xướng, ban hòa tấu nhạc cụ, Acoustic Band và  Electric band… Tuy sáo Recorder chưa được đưa vào chương trình dạy học ân nhạc, nhưng thực tế cho thấy, trường Quốc tế Anh - BIS Hà Nội rất chú trọng đến vấn đề dạy nhạc cụ. Đó là nội dung chúng tôi cần tham khảo để khắc phục và tháo gỡ dần trong từng giai đoạn phát triển ngày càng cao hơn chất lượng dạy âm nhạc của nhà trường.

 

1.2.3. Đánh giá thực trạng dạy học âm nhạc

1.2.3.1. Những mặt đã đạt được

Trường THCS Nguyễn Tri Phương tuy mới được thành lập nhưng có một đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, dày dặn kinh nghiệm sư phạm; giáo viên nhiệt tình, có trách nhiệm trong giảng dạy, có ý thức phấn đấu, tự bồi dưỡng vươn lên.Việc kiến nghị đưa sáo Recorder vào dạy thử nghiệm cho HS lớp 6 trong năm học 2019-2020 được tập thể nhà trường đoàn kết nhất trí cao.

1.2.3.2. Những mặt còn tồn tại

     Thứ nhất, về chương trình SGK hiện hành còn một số điểm hạn chế như nội dung trong các tiết học phân bố không đồng đều.

      Thứ 2, các GV mới được các chuyên gia Nhật bản tập huấn sáo Recorder  trong một khoảng thời gian nên cần trau dồi thêm để nâng cao trình độ và khả năng giảng dạy.

     Thứ 3, Trường THCS Nguyễn Tri Phương chưa có đủ phòng chức năng như phòng thực hành, phòng sinh hoạt tổ chuyên môn, phòng học bộ môn năng khiếu (nhạc - hoạ)… Đồ dùng trang bị cho môn Âm nhạc còn sơ sài.

     Thứ 4, việc đánh giá kết quả học tập âm nhạc còn bị xem nhẹ, không tạo được động lực để các em tích cực, cố gắng vươn lên trong học tập.

     Thứ 5, HS trường THCS Nguyễn Tri Phương hầu hết có khả năng ca hát, nhảy múa và thường xuyên được tiếp xúc với các hoạt động âm nhạc. Tuy nhiên, do thời lượng chương trình môn âm nhạc chỉ có 1 tuần/ tiết, nên một số HS học đối phó dẫn đến hiệu quả học tập chưa cao. 

 

1.3. Bổ sung nội dung dạy sáo Recorder vào chương trình môn Âm nhạc

1.3.1. Căn cứ bổ sung nội dung dạy học

Theo cuốn Hướng dẫn dạy học môn Nghệ thuật Trung học cơ sở, theo chương trình Giáo dục Phổ thông đổi mới - phần âm nhạc, có hướng dẫn tính mở vừa đảm bảo định hướng thống nhất những nội dung cốt lõi. Chương trình đã hướng dẫn chỉ định những nguyên tắc chung về phẩm chất và năng lực của học sinh một cách cơ bản để tạo điều kiện cho “giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình”. Việc lựa chọn sáo Recorder, là một loại nhạc cụ có nhiều ưu điểm phù hợp. 

 

1.3.2. Mục tiêu

Về kiến thức: GV xác định dạy học cho đối tượng HS lớp 6 trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương. Thiết kế các tiết học đan xen, lồng ghép dạy sáo Recorder phù hợp với nội dung được hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. 

Về kỹ năng: HS được ôn luyện một số kiến thức âm nhạc cơ bản ở các phân môn: TĐN, Học hát, Nhạc lý và đạt được cách chơi các kỹ thuật cơ bản của sáo Recorder qua một số khúc luyện thực theo đúng mục tiêu dạy học. 

Về thời gian và thời lượng chương trình: Đề xuất dạy học sáo Recorder đan xen vào một số tiết học theo hướng mở của chương trình. Để cân bằng nội dung và hàm lượng kiến thức, dạy học sáo Recorder sẽ được thực hiện ở một số tiết chỉ có 1 hoặc 2 phân môn phân bổ trong một tiết học. 

 

1.3.3. Nội dung dạy học cụ thể

1.3.3.1. Dạy sáo Recorder trong chương trình chính khóa

Để không ảnh hưởng đến nội dung chính, việc dạy học sáo Recorder sẽ được đan xen vào các tiết chỉ có 1 đến 2 phân môn. Cụ thể: Học kỳ I (4 tiết): tiết 3, 5, 10, 13; Học kỳ II (4 tiết): tiết 19, 23, 27, 30. 

1.3.3.2. Dạy sáo Recorder trong chương trình ngoại khóa

* Nâng cao kỹ thuật thổi sáo Recorder và củng cố kiến thức Nhạc lý cơ bản

Các cách sử dụng hơi nhẹ và hơi nén sẽ được đưa vào dạy học ở chương trình ngoại khóa. Hơi nhẹ dùng để thổi các nốt cơ bản trong một quãng 8, từ đô1-đô2; Hơi nén dùng để thổi câu nhạc dài 2-3 ô nhịp, hoặc ngắt hơi khi thổi âm nẩy. Ngoài ra, GV sẽ tiếp tục củng cố phần Nhạc lý cơ bản trong quá trình hướng dẫn HS thực hành khúc luyện. 

* Các khúc luyện thực hành sáo Recorder trong chương trình ngoại khóa

  Nội dung dạy học ngoại khóa gồm hai phần: Độc tấu và hòa tấu. Các khúc luyện thực hành sẽ được GV hướng dẫn ôn luyện kỹ cho HS, giúp các em có thể tham gia biểu diễn trong các chương trình phù hợp được tổ chức trong và ngoài nhà trường.

 

       Tiểu kết

   Qua thực tế giảng dạy môn âm nhạc tại trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, chúng tôi nhận thấy đây là một trong những trường đào tạo tốt, có uy tín tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc dạy môn âm nhạc vẫn tồn tại những hạn chế đến từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Việc tìm hiểu những nội dung như trên sẽ là cơ sở để giải quyết vấn đề trong chương 2, hướng tới để có những biện pháp khắc phục dạy học nội dung nhạc cụ tại trường.

 

CHƯƠNG 2

SỬ DỤNG SÁO RECORDER ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC ÂM NHẠC TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN TRI PHƯƠNG

 

2.1. Thiết kế nội dung dạy sáo Recorder

         Hướng tới nâng cao chất lượng dạy và học môn Âm nhạc, việc thiết kế nội dung dạy học sáo Recorder là một trong những khâu quan trọng cần phải có sự đầu tư nghiên cứu đảm bảo tính khả thi. 

 

2.1.1. Thiết kế nội dung dạy sáo Recorder trong chương trình chính khóa

2.1.1.1. Nội dung dạy sáo Recorder trong Học kỳ I

Bài 1 (tiết 3): Giới thiệu sáo Recorder; Hướng dẫn cách bảo quản sáo; Quy định số ngón tay.

Bài 2 (tiết 5):  Hướng dẫn thực hành thổi các nốt: si1, la1, son1.

Bài 3 (tiết 10): Hướng dẫn thực hành thổi các nốt: pha1, mi1, rê1.

Bài 4 (tiết 13): Hướng dẫn thực hành thổi các nốt: đô1, đô2; Ôn luyện các nốt: đô1, rê1, mi1, pha1, son1, la1, si1, đô2.

2.1.1.2. Nội dung dạy sáo Recorder trong Học kỳ II

Bài 5 (tiết 19): Hướng dẫn thực hành khúc luyện sáo Recoder theo bài TĐN số 2: Mùa xuân trong rừng [5; tr.18].

Bài 6 (tiết 23): Hướng dẫn thực hành khúc luyện sáo Recoder theo bài TĐN số 5: Vào rừng hoa [5; tr.33].

Bài 7 (tiết 27): Hướng dẫn thực hành khúc luyện sáo Recoder theo bài TĐN số 7: Chơi đu [5; tr.47].

       Bài 8 (tiết 30): Ôn tập các khúc luyện sáo Recoder đã học: TĐN số 2 Mùa xuân trong rừng; TĐN số 5: Vào rừng hoa; TĐN số 7: Chơi đu.

 

2.1.2. Thiết kế nội dung dạy sáo Recorder trong  chương trình ngoại khóa

2.1.2.1. Nâng cao kỹ thuật thổi sáo Recorder 

Kỹ thuật đánh lưỡi: Đánh lưỡi là một kỹ thuật cơ bản cần phải trang bị kỹ cho HS mới học. 

Xử lý làn hơi: Sáo Recorder có 5 cách sử dụng làn hơi: Rất nhẹ; Nhẹ; Mạnh; Rất mạnh;Hơi nén. Cách sử dụng làn hơi phụ thuộc vào âm vực cao thấp của âm thanh và tính chất âm nhạc của giai điệu.

2.1.2.2. Củng cố kiến thức Nhạc lý cơ bản trong dạy học sáo Recorder ở chương trình ngoại khóa

Dạy học sáo Recorder cho HS lớp 6 ở chương trình ngoại khóa không chỉ hướng tới dạy cho HS biết sử dụng một loại nhạc cụ, mà còn có mục tiêu thông qua đó để củng cố một số kiến thức Nhạc lý cơ bản, giúp cho các em vững vàng hơn nội dung đã học ở chương trình chính khóa. 

 

2.2. Biện pháp dạy học

2.2.1. Công tác chuẩn bị

Chuẩn bị của GV: Đồ dùng dạy học của GV được chuẩn bị gồm có: 1 cây sáo Recorder, đồ dùng trực quan (tranh, ảnh minh họa các ký hiệu nốt nhạc), đàn phím điện tử hỗ trợ dạy học, tập tài liệu dạy thực hành. 

Chuẩn bị của HS: Mỗi HS cần chuẩn bị 1 cây sáo Recorder và bản nhạc các khúc luyện. 

 

2.2.2. Tiến trình dạy học

2.2.2.1. Bước 1: Khởi động 

Giới thiệu: Giai đoạn khởi động sẽ được đi vào những nội dung giới thiệu, phân tích, nghe mẫu... 

Thổi mẫu khúc nhạc: Thổi mẫu khúc nhạc giúp cho HS làm quen với giai điệu và có cảm nhận ban đầu về khúc nhạc đó.

2.2.2.2Bước 2: Trọng tâm 

- Luyện đọc nốt nhạc: HS đọc xướng âm khúc luyện. 

- Luyện tập từng câu/ tiết: GV hướng dẫn HS xếp ngón bịt và ngón mở tương ứng với từng nốt để HS có thể thổi ra cao độ tương ứng. 

Chú ý tới trường độ và nhịp độGV cần chú ý cho học sinh độ dài của tiết tấu để củng cố lại phần học kiến thức lý thuyết, đồng thời đáp ứng trường độ đúng theo khúc nhạc.

2.2.2.3. Bước 3: Củng cố

Giai đoạn này GV cần chỉnh sửa những chỗ sai cho HS, chú ý đến tốc độ cũng như sự chuẩn xác của khi đặt từng ngón tay trên lỗ sáo để giúp các em thổi chính xác cao độ. 

 

2.2.3. Phương pháp dạy học

2.2.3.1. Dạy học thông qua tổ chức các hoạt động học tập của học sinh

Để việc dạy học sáo Recorder đạt hiệu quả, người GV cần phải tìm hiểu và nghiên cứu các phương pháp dạy học, để đưa ra các biện pháp phù hợp dựa theo những khái niệm đã nêu. Việc dạy sáo Recorder cần phải có sự lồng ghép, đan xen nhiều nội dung âm nhạc khác nhau trong các hoạt động học tập của HS. 

2.2.3.2. Dạy học chú trọng tới rèn luyện phương pháp học tập của học sinh

Để dạy học sáo Recorder đạt hiệu quả, GV cần phải tìm hiểu kỹ mục tiêu về kĩ năng để có những định hướng chú trọng tới rèn luyện phương pháp học tập của HS. Ngoài ra, cần hướng tới giáo dục HS những tình cảm tốt đẹp với âm nhạc, nâng cao sự yêu thích và phấn đấu học tập cho các em qua từng bài dạy.

2.2.3.3. Dạy học tăng cường phối hợp học tập hợp tác (học nhóm) của học sinh

Dạy học sáo Recorder theo hình thức học nhóm sẽ có sự đan xen, hỗ trợ của những học sinh khá, giỏi, nâng đỡ, giúp cho các bạn khác hoạt động tốt hơn. Qua hoạt động nhóm, HS sẽ được ứng dụng, phát triển kiến thức, rèn luyện kỹ năng cá nhân, có thể góp phần vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, đem lại những giá trị về tinh thần cho tập thể lớp và nhà trường. 

 

2.2.4. Nâng cao chất lượng dạy học sáo Recorder thông qua các hoạt động biểu diễn ngoại khóa

2.2.4.1. Thành lập Câu lạc bộ sáo Recorder

Đề xuất thành lập CLB sáo Recorder, được sinh hoạt thường xuyên vào chiều thứ 5 theo lịch của nhà trường là khả thi trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động CLB sáo Recorder có vai trò nâng cao chất lượng dạy học, rèn luyện khả năng biểu diễn và sáng tạo cho HS. CLB sáo Recorder tạo môi trường cho HS học tập và sinh hoạt ngoại khóa, nâng cao kỹ năng tự thực hành, năng lực hoạt động thực tiễn trước yêu cầu đổi mới của nền giáo dục. 

2.2.4.2. Tăng cường biểu diễn sáo Recorder

Việc hướng tới cho HS biểu diễn sáo Recorder trong hoạt động ngoại khóa sẽ bổ sung, hỗ trợ những kiến thức trong chương trình chính khóa, đồng thời giáo dục HS hướng tới những hoạt động tập thể của nhà trường. Đây là hoạt động tự nguyện của cá nhân, vì vậy, GV cần phát động phong trào, khuyến khích, đặc biệt là hướng đến những HS có niềm say mê với loại nhạc cụ này. 

 

2.3. Thực nghiệm sư phạm

2.3.1. Mục đích và nội dung thực nghiệm

Mục đích thực nghiệm: Thực nghiệm để kiểm chứng việc đưa sáo Recorder vào dạy trong chương trình môn học Âm nhạc sẽ giúp cho việc nâng cao chất lượng học tập cho HS lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Nội dung thực nghiệm

- Tiến hành dạy thực hành sáo Recorder với các phân môn Âm nhạc nhằm củng cố các kiến thức âm nhạc cơ bản.

- So sánh kết quả với lớp không tham gia thực nghiệm.

 

2.3.2. Đối tượng và địa điểm thực nghiệm

Đối tượng thực nghiệm: Lớp 6A1. 

GV dạy: Lê Nữ Diệu Linh 

Đối tượng đối chứng: Lớp 6A2. 

GV dạy: Nguyễn Thu Thanh  

Các tiết dạy cho nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng đều có đại diện GV trong trường tới dự và đánh giá.

Địa điểm thực nghiệm: Trường THCS Nguyễn Tri Phương.

 

2.3.3. Thời gian và nội dung dạy học thực nghiệm

2.3.3.1. Thực nghiệm trong chương trình chính khóa

Bài thực nghiệm: Bài 5 (tiết 19)

2.3.3.2. Thực nghiệm trong chương trình ngoại khóa

* Bài thực nghiệm: Thực hành dạy khúc luyện TĐN số 3: Thật là hay

 

2.3.4. Kết quả thực nghiệm

Tiết thực nghiệm trong chương trình chính khóaỞ cả hai nội dung dạy học bài hát và dạy thực hành khúc luyện sáo Recorder, GV đều thực hiện ở ba bước: Bước 1: Khởi động; Bước 2: Trọng tâm; Bước 3: Củng cố. Qua tiết học, HS đồng thời đã được củng cố lại bài TĐN đã học, được ôn lại một số kiến thức Nhạc lý cơ bản, đồng thời được làm quen với một loại nhạc cụ đơn giản. Qua tiết học, HS đã đạt được những yêu cầu nhất định như: nhận biết được giai điệu của khúc luyện qua đọc xướng âm, hoàn thành đúng cao độ và tiết tấu khúc luyện trên sáo Recorder. 

Tiết thực nghiệm trong chương trình ngoại khóa: Thực nghiệm dạy học khúc luyện sáo Recorder TĐN số 3: Thật là hay. GV đã dạy HS thổi sáo đúng theo cao độ, trường độ của bài TĐN số 3, nâng cao khả năng chơi nhạc cụ và cảm thụ âm nhạc qua việc hướng dẫn HS chơi khúc luyện có sắc thái cùng với phần đệm piano. Các hình thực dạy học theo hướng mở ởtiết học ngoại khóa đã giúp cho HS thể hiện khúc luyện có nhạc cảm và tự tin với phần trình diễn của mình. 

So với tiết học đối chứng, tiết học thực nghiệm được mở rộng hơn về hình thức dạy học, HS từ đó được củng cố một số kiến thức đã học một cách tự nhiên, đồng thời việc làm quen với sáo Recorder cũng đã tạo nên sự hứng khởi đối với các em trong tiết học này. 

 

2.3.5. Kết quả điều tra

Kết quả khảo sát mức độ nâng cao chất lượng môn âm nhạc qua học sáo Recorder cho thấy, có 35 HS trả lời chất lượng tốt, chiếm tỷ lệ 78%; 07 HS bình thường và không có HS trả lời chất lượng kém hơn. Như vậy, việc đưa sáo Recorder vào dạy học đan xen ở những tiết học  đã tạo được hiệu ứng tốt. Tuy thời gian thực dạy không nhiều nhưng kết quả thực hành của các em cũng được GV âm nhạc của nhà trường đánh giá cao. 

 

Tiểu kết

Sáo Recorder với những ưu điểm là dễ sử dụng, dễ phổ cập và tiếng rất hay. Việc đưa sáo Recorder vào dạy cho HS lớp 6 ở trường THCS Nguyễn Tri Phương là hoàn toàn hợp lý, vừa theo hướng mở của Bộ GD&ĐT, vừa đáp ứng nhu cầu cần thiết cho HS.

Với âm sắc thánh thót, dễ nghe, việc dạy sáo Recorder khá hợp lý cho các đối tượng học nhóm và việc dạy học Recorder cho HS lớp 6 không quá mất nhiều thời gian trong một buổi học. Việc hướng dẫn HS luyện tập sáo dựa trên kiến thức nền tảng đã được học ở phân môn Lý thuyết và Tập đọc nhạc, điều đó sẽ đồng thời giúp cho các em tự tin hơn khi học loại nhạc cụ này. Đó là những thuận lợi để GV có thể nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc thông qua đan xen dạy sáo Recorder.

 

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng là một thành phần không thể thiếu trong giáo dục bắt buộc ở hầu hết các nước trên thế giới. giáo dục Âm nhạc không chỉ đem lại sự phát triển nhân cách và những kĩ năng xã hội. Hiện nay, sáo Recorder đã được dạy phổ biến cho cấp tiểu học và THCS ở nhiều quốc gia. Việc đưa sáo Recorder vào dạy học có thể sẽ là công cụ đắc lực cho các buổi sinh hoạt, vui chơi tập thể của HS trong nhà trường. 

Kết quả thực nghiệm cho thấy việc đưa sáo Recorder vào chương trình giảng dạy đã đi đúng hướng và có ảnh hưởng nhất định đến việc nâng cao chất lượng dạy học môn Âm nhạc tại trường THCS Nguyễn Tri Phương. Đó sẽ là tiền đề để GV bộ môn Âm nhạc tiếp tục triển khai, nâng cao cho các cấp học lớn hơn ở những năm học nối tiếp.

Khuyến nghị

Sáo Recorder là một nhạc cụ mới chưa được phổ cập, vì vậy Nhà trường nên khuyến khích GV tích cực chủ động sưu tầm các tư liệu dạy học phù hợp; Để việc dạy sáo Recorder đạt hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc, Nhà trường nên cho GV đi học tập huấn và tham gia các chương trình biểu diễn, giới thiệu sáo của các chuyên gia hãng Yamaha tổ chức; Để HS học môn âm nhạc có mức độ tập trung cao và không làm ảnh hưởng đến các môn học khác, Nhà trường nên xây phòng cách âm để đảm bảo không gian học tập chung của tất cả các lớp; Bên cạnh việc sử dụng sách giáo khoa Âm nhạc, sách dạy sáo Recorder, GV cần tích cực, năng động, tự luyện tập sáo, xây dựng giáo án để lồng ghép vào các hoạt động dạy học ở từng phân môn; Việc khuyến khích GV tham khảo sách dạy sáo Recorder để thực hiện nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc sao cho việc dạy học môn Âm nhạc ở trường THCS Nguyễn Tri Phương đạt hiệu quả cao hơn là mục tiêu cần hướng tới trong giai đoạn hiện nay.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn