Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13705765
Tin tức hoạt động Thứ bảy, 21/12/2024

Tác giả: Lương Nhật Long
Đề tài: "Vai trò của Etude Czerny trong giảng dạy Piano tại một số trung tâm đào tạo ở Hà Nội” 
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Piano)
Mã số: 82100202
Cán bộ hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Hoàng Phương   
Ngày đăng: 02/11/2021 

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Piano là bộ môn nhạc cụ được coi là toàn diện nhất, nhiều kĩ thuật đa dạng phức tạp nhất, so với các nhạc cụ khác. Đây cũng là lĩnh vực nhạc cụ có nhiều tác phẩm ở thể loại etude nhất được nhiều nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ biểu diễn piano sáng tác như Czerny, Cramer, Heller, Chopin, Liszt, v.v.. Trong đó Etude Czerny là có số lượng nhiều nhất, được sử dụng phổ biến do sự đa dạng về trình độ và phù hợp cho nhiều độ tuổi người học từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. 

Mô hình trung tâm âm nhạc phát triển mạnh trong 10 năm trở lại đây, góp phần tích cực trong việc xã hội hóa âm nhạc hàn lâm, đặc biệt là trong lĩnh vực đàn piano. Bên cạnh một số ít các trung tâm uy tín, đã khẳng định được tên tuổi như Hoàng Cung Art, Magic Music có đội ngũ giáo viên chính quy đang giảng dạy tại các cơ sở âm nhạc chuyên nghiệp như Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Nghệ thuật Quân đội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương v..v.. thì bên cạnh đó còn có khá nhiều trung tâm được mở ra mang tính thương mại, đại trà, không có giáo trình giảng dạy mang tính hệ thống, bài bản, không chú trọng chuyên môn. Giảng viên là những người không được đào tạo chính quy về piano với trình độ hạn chế dẫn đến các em học sinh khi được đào tạo trong môi trường này không được trang bị những kĩ thuật cơ bản về piano, thông qua các bài tập luyện ngón như Gam và Etude. Chính vì lý do đó kĩ thuật của các em thường ở mức chưa tốt và thiếu cơ bản.

Đối với cá nhân tôi, qua quá trình học 9 năm trung cấp tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và 5 năm học đại học tại khoa piano tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam và hiện nay đang giảng dạy tại một số trung tâm âm nhạc tại Hà Nội, tôi nhận thấy các Etude của Czerny thuộc các op 599, 636, và 299 rất phù hợp và cần thiết với các em học sinh ở các lứa tuổi khác nhau, từ những em học sinh mới tập chơi đến những em đã đạt được nền tảng cơ bản tốt và có nhu cầu được nâng cao khả năng kĩ thuật của mình. Mục đích, nhiệm vụ và bản chất đào tạo của trung tâm dù chuyên nghiệp hay không chuyên thì vẫn phải đảm bảo trang bị cho người học những kĩ thuật cơ bản và thiết yếu, bởi mục đích của việc dạy đàn piano là giúp người học phát triển kĩ năng chơi đàn. Vì vậy việc nâng cao trình độ, tiệm cận được trình độ chuyên nghiệp là việc làm vô cùng cần thiết, hiện nay khi các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp đã rút ngắn thời gian đào tạo hệ trung cấp chính quy từ 11 năm xuống 9 năm và có thêm cả hệ đào tạo 4 năm. Chính vì lý do dó, thông qua đề tài luận văn này tôi muốn khẳng định tầm quan trọng của Etude Czerny trong giảng dạy tại các trung tâm âm nhạc, qua đó mạnh dạn đưa ra 1 số phương pháp luyện tập phù hợp giúp các em học sinh củng cố, hoàn thiện kĩ thuật piano cơ bản tại các trung tâm âm nhạc tại Hà Nội.

2. Lịch sử nghiên cứu 

Để đảm bảo tính khoa học và xác thực của đề tài nghiên cứu, chúng tôi đã tham khảo một số công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài:

- Công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về nghệ thuật piano chuyên nghiệp tại Việt Nam là luận án của GS.TS.NGND Trần Thu Hà “ Nghệ thuật piano Việt Nam” được bảo vệ thành công tại Nhạc viện Tchaikovski – Matxcova 1987. Trong Luận án tác giả đã dày công nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của ngành nghệ thuật piano khi được du nhập từ phương Tây vào Việt Nam có đề cập, đánh giá các phương pháp sư phạm piano từ thời Pháp đô hộ tới những năm 80 của thế kỉ XX.

- TS. Đào Trọng Tuyên với đề tài “Etudes của Claude Debussy: Thẩm mỹ và biểu diễn” (2007) bảo vệ tại đại học Monreal khoa âm nhạc. Trong đó, tác giả có nghiên cứu về đặc điểm âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn 12 Etudes của Claude Debussy. 

- Luận án của TS. Triệu Tú My “Ảnh hưởng của âm nhạc Chopin trong nghệ thuật piano Việt Nam ” (2017). Bằng việc nghiên cứu sâu sắc về sự nghiệp âm nhạc của Chopin với cây đàn piano, cách liên hệ âm nhạc của Chopin với âm nhạc Việt Nam cũng như cách chơi của nghệ sĩ duy nhất của Việt Nam được giải thưởng về Chopin vào năm 1980, tác giả đã nêu lên tầm quan trọng của việc đào tạo và biểu diễn nhạc Chopin ở Việt Nam. 

- Luận án của TS. Nguyễn Minh Anh “Sự phát triển của nghệ thuật Piano Việt Nam” được bảo vệ thành công tại Học Viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam. Trong luận án của mình, tác giả có đề cập đến sự ra đời của cây đàn piano, ảnh hưởng của cây đàn đến nền âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, từ đó nêu lên tầm quan trọng cũng như mong muốn phát huy, bảo tồn môn nghệ thuật này.  

- Luận án của TS. Trần Nguyệt Linh “le concerto pour la main gauche de Maurice Ravel: une leçon pour le plein accomplissment du jeu des pianistes” – Bản concerto cho tay trái của M.Ravel, một bài học để hoàn thiện nghệ thuật chơi piano biểu diễn, được bảo vệ tại đại học tổng hợp Montréal2011. Tác giả phân tích tính nghệ thuật của bản concerto cho tay trái của M.Ravel, bản concerto viết dành tặng cho Paul Wittgenstein (1887-1961) người nghệ sĩ piano người áo đã bị mất cánh tay phải vào Thế chiến thứ 2.

- Luận án của TS. Trịnh Minh Trang “Vị trí các tác phẩm Piano của Ludwig Van Beethoven trong đào tạo Piano chuyên nghiệp tại Việt Nam” được xuất bản năm 2020 – Tác phẩm viết nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của tác phẩm viết cho Piano của ông tới sự nghiệp đào tạo Piano chuyên nghiệp ở Việt Nam, quá đó đưa ra các phương pháp nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả xử lý các tác phẩm viết cho Piano của Beethoven góp phần nâng cao hơn nữa vị trí của các tác phẩm này trong đào tạo Piano chuyên nghiệp tại Việt Nam.

- Luận án nước ngoài của TS. Bryan Wallick “Piano Practice: practice routines and techniques for concert pianists” – cách luyện tập piano: thói quen thực hành hàng ngày và kĩ thuật cho người nghệ sĩ biểu diễn piano chuyên nghiệp được bảo vệ tại đại học Van Pretoria ở Nam Phi. Luận án có chỉ ra các phương pháp tập luyện trong đó có việc tập luyện Etude để rèn luyện kĩ thuật.

- Luận án nước ngoài của TS. Simon Robert Finlow “The piano study from 1800 to 1850: style and technique in didactic and virtuoso piano music from Cramer to Liszt” – nghiên cứu về piano từ năm 1800 đến 1850: phong cách và kĩ thuật dạy học và âm nhạc của nghệ sĩ bậc thầy từ Cramer đến Liszt, được bảo vệ tại trường đại học Cambridge Anh. Trong tác phẩm, tác giả so sánh phương pháp giảng dạy của một số tác giả trong đó có Carl Czerny. 

- Luận án nước ngoài của TS. Seonghyang Kim “Seymour Fink’s Mastering Piano Technique: Understanding Basic Technical Movements” – hoàn thiện khả năng kĩ thuật của Seymour Fink: hiểu về các động tác kĩ thuật cơ bản, được bảo vệ tại đại học Kansas, Mỹ. Luận án có đưa ra các bài tập để trau dồi kĩ năng diễn tấu, một trong số đó là tập các bài tập luyện ngón Etude. 

3. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu về vai trò của Etude Czerny trong giảng dạy các trung tâm âm nhạc tại Hà Nội qua đó đúc kết những phương pháp tập luyện hiệu quả và phù hợp với trình độ của học sinh, nhằm nâng cao kĩ thuật hướng tới mục tiêu tiếp cận trình độ chuyên nghiệp. 

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: dựa vào thực trạng đã nêu ở phần lý do chọn đề tài, phân tích vai trò và đặc điểm của Etude Czerny trong rèn luyện kĩ thuật, nghiên cứu phương pháp giảng dạy piano cơ bản và phương pháp giảng dạy etude tại một số trung tâm âm nhạc ở Hà Nội, đặc biệt là hai trung tâm chính là Magic Music, nơi có giáo trình riêng áp dụng rất nhiều tác phẩm Etude Czerny và Hoàng Cung, đây là trung tâm có rất nhiều thí sinh đăng kí thi tuyển vào các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trên toàn quốc, giáo viên áp dụng rất nhiều Etude đặc biệt là Etude Czerny. 

Phạm vi nghiên cứu: những tác phẩm Etude Czerny đang được giảng dạy tại các trung tâm âm nhạc. 

5. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: phân tích, đánh giá, thu thập tài liệu giảng dạy, tổng hợp kinh nghiệm và đối chiếu chất lượng học sinh. 

- Phương pháp thực nghiệm: Kiểm chứng, đối chứng, so sánh, đúc kết từ quá trình giảng dạy.

- Phương pháp khảo sát: Tập hợp ý kiến của giáo viên, học sinh tại các trung tâm về thực trạng giảng dạy. 

6. Bố cục của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn gồm 2 chương: 

CHƯƠNG 1: Phương pháp sư phạm và thể loại Etude của Carl Czerny

CHƯƠNG 2: : Một số phương pháp tập luyện và giảng dạy Etude của Czerny cho các học sinh tại các trung tâm

CHƯƠNG 1:

PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM VÀ THỂ LOẠI ETUDE CỦA CARL CZERNY

1.1         Khái quát về phương pháp sư phạm của Carl Czerny

  1. Vài nét về tác giả 

 Carl Czerny sinh ra ở Viên, thủ đô của Áo vào năm 1791. Ông bắt đầu học nhạc cùng cha của mình là Wenzel Czerny, người nghệ sĩ Bohemian chơi violin và là một giảng viên dạy piano. Carl Czerny đã được cha cho học những tác phẩm của  Johanne Sebastian Bach và của các tác giả cổ điển khác như là Mozart, Clementi và ông đã thực sự tiếp thu được nét tinh tế từ đó. Mục tiêu mà cha ông đặt ra chính là biến Carl Czerny thành một con người toàn diện, hơn chỉ là một nhạc công chơi đàn điêu luyện, ông đã được cha sắp xếp cho học những bài học về ngôn ngữ, lịch sử, văn học , v..v.. 

Czerny bắt đầu dạy học từ năm 1806 khi ông mới 15 tuổi và đó chính là những hoạt động chính của ông trong gần 30 năm. Ông có rất nhiều học sinh nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc tới nhạc sĩ đại tài Franz Liszt, người mà sau này có thừa nhận là các tác phẩm của ông có ảnh hưởng rất nhiều từ Carl Czerny. Điều này được thể hiện thông qua các bức thư của Liszt gửi Carl Czerny vào năm 1828 và năm 1852. Đặc biệt là lá thư cuối Liszt dành tặng cuốn Etude bao gồm 12 bản: “Douze Études d’exécution transcendante” cho người thầy của mình, thể hiện sự quan trọng và độ khó của tác phẩm, nó là một bằng chứng nữa thể hiện sự ngưỡng mộ của Liszt dành cho Czerny. 

1.1.2 Một số đặc điểm về phương pháp sư phạm 

Những bài tập Etude của Czerny có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực sư phạm và biểu diễn piano chuyên nghiệp đây là điều mà những người học piano đều công nhận. Các tuyển tập Etude được giảng dạy phổ biến của Czerny là:

  • Opus 599 hay Opus 139 – “studies for beginner” đây là 2 tuyển tập cho người mới bắt đầu và mức độ khó tăng dần về số cuối. Tuy nhiên, Opus 599 thường được sử dụng phổ biến hơn và dành cho lứa tuổi từ 6-8 tuổi.
  • Opus 849 – “30 new studies in technics for the piano” các bài tập và bài học cho đàn pianoforte, tuyển tập này là bước chuẩn bị cho Opus 299 dành cho các người học đã có kĩ thuật cơ bản nhất định về cách diễn tấu từ 8-10 tuổi.
  • Opus 299 - “School of velocity” cải thiện các kĩ năng diễn tấu cho người học từ 10-12 tuổi.
  • Opus 636 - “Studies and exercises for pianoforte” tuyển tập này là bước chuẩn bị dành cho tập Opus 740 thường sử dụng cho các người học muốn hoàn thiện kĩ năng của mình từ 12-18 tuổi. 
  • Opus 740 - “the art of finger dexterity” (các bài tập hỗ trợ kĩ thuật ngón tay) đây cũng là tuyển tập dành cho các người học muốn nâng cao trình độ, lứa tuổi áp dụng từ 13-18 tuổi.

1.2. Thể loại Etude của Carl Czerny

1.2.1. Nguồn gốc của thể loại Etude

Etude trong tiếng Pháp nghĩa là “học” thường được coi là một thể loại tác phẩm nghệ thuật và có trình độ từ dễ đến khó, được sáng tác dành riêng cho mục đích rèn luyện kĩ thuật trình diễn nhạc cụ. Trong một số trường hợp có thể sử dụng để biểu diễn độc tấu hoặc đơn thuần chỉ đóng vai trò bổ trợ, rèn luyện, nâng cao kĩ thuật cho người biểu diễn chơi các tác phẩm khác tốt hơn. 

Vào trước thế kỉ 19 những bài học, bài giảng, phương pháp sư phạm thay đổi rất nhiều, không xác định thể loại rõ ràng. Cuốn Etude đầu tiên là cuốn “30 Essercizi per gravicembalo’’ - dịch: 30 bài tập cho đàn harpsichord của Domenico Scarlatti cho chúng ta những tác phẩm ban đầu với âm hưởng không khác những bài tập trong đàn phím khác và 4 cuốn Clavier-Übung – dịch: bài thực hành về đàn phím của J.S.Bach, trong đó bao gồm tất cả từ những bản chơi đôi trên đàn Organ đơn giản đến những bản biến tấu khó và chuyên sâu như “Goldberg Variations”.

Đầu thế kỉ 20, xuất hiện thêm nhiều những tác phẩm Etude quan trọng. Tập Etude viết cho piano của Claude Debussy năm 1915 với nguyên tắc mỗi tác phẩm đề cập đến một khía cạnh của kĩ thuậtriêng như kĩ thuật quãng 8, đúp nốt, chromatique,v..v.. có mục đích luyện tập rõ ràng, thể hiện qua tiêu đề tên gọi của từng bài. Tập 53 bài tập dựa trên các Etude của F.Chopin của Leopold Godowsky được tác giả thêm vào nhiều sự thay đổi làm cho âm nhạc trong các tác phẩm của F.Chopin thêm phần mới mẻ, độ khó được nâng lên rất nhiều.  Tiếp đến là 2 tập etude nổi tiếng của Sergei Rachmaninoff là Etude “bức tranh” (Étude tableau) Etude của nhạc sĩ người Nga Alexander Scriabin (1903-1909, opus 30–58 và 1910 – 1915, opus 59-74)

Giữa thế kỉ 20, thể loại Etude truyền thống có nhiều biến đổi. Cuốn “Quatre étude de rythme” của Olivier Messiaen – dịch: 4 bài tập về tiết tấu, không phải là các tác phẩm để giảng dạy mà để thử nghiệm với các gam về trường độ cũng như là sắc thái, môtiv, màu sắc giai điệu và cao độ. Cuốn Études Australes của John Cage cho Piano, cuốn Études của tác giả Boreales viết cho cello hay piano,cuốn Etudes của tác giả Freeman cho violin là một vài trong số những tác phẩm khó nhất trong thời kì này. 

Cuối thế kỉ 20, ba cuốn Etudes của György Sándor Ligeti có thể tiệm cận đến thể loại truyền thống trước đây nhưng nó quá tập trung vào một thể loại kĩ thuật nhất định. Cuốn Études transcendantes (100) của Kaikhosru Shapurji Sorabi có lấy các tác phẩm của Godowsky và Liszt làm điểm khởi đầu, thường xuyên tập trung vào những yếu tố kĩ thuật đặc biệt, cũng như những độ khó về tiết tấu khác nhau. Đặc biệt là William Bolcom đã thắng giải Pulitzer với cuốn “12 cuốn Etudes mới cho Piano” vào năm 1988.  

  1.2.2Các đặc điểm nổi bật của Etude Czerny

Czerny là người đi tiên phong trong nghệ thuật chơi đàn phím hiện đại, và hầu hết trong số chúng ta có thể rút ra điểm tương đồng trong phong cách chơi của mình so với cách chơi của ông. Ông trở thành học trò của Beethoven, chơi thuộc lòng được hết 32 sonata của người thầy của mình và là người được chọn lựa để chơi bản Concerto Emperor. Nhờ vào sự gợi ý từ Beethoven, Czerny sớm trở thành người thầy giáo dạy piano nổi tiếng nhất ở Viên và có được rất nhiều học trò xuất sắc như F.Liszt, Theodor Kullak và Theodor Leschetizky. Cuốn tuyển tập nhiều phần của ông là “lý thuyết và thực hành piano forte” được coi là cuốn bách khoa toàn thư về kiến thức piano ở thời bấy giờ. Ông là một nhà soạn nhạc lớn, các tuyển tập Opus của ông được xuất bản rất nhiều, được nhớ đến nhiều nhất là các tuyển tập về bài tập Etude. Cách tiếp cận ưa thích của Czerny là về sự phát triển về ngón tay được hoàn thiện chỉ thông qua luyện tập một cách máy móc do đó học viên cần luyện tập thường xuyên mới hoàn thiện được các kĩ năng cần thiết. Tất cả 5 ngón tay đều nên được rèn luyện đều, hình thành sự mạnh mẽ trong việc xử lý tác phẩm. Bằng cách xuất bản một số lượng lớn các tuyển tập về bài tập Etude, Czerny tin rằng bằng cách phát triển kĩ năng rèn luyện độc lập các học viên có thể đạt được trình độ này.

Trong số 19 Opus có một opus chưa đánh số (từ 139 đến 849) thì Czerny viết rất nhiều etude dựa vào các kĩ thuật đa dạng của Piano. Trong suốt chiều dài lịch sử âm nhạc hàn lâm thì ông là người viết nhiều về Etude nhất với số lượng lên đến hàng trăm Opus với độ dài khác nhau từ ngắn đến khá dài. Đối với ông các Opus mang nhiều độ khó khác nhau và có độ khó tăng dần từ opus 139 đến khó nhất là opus 740. 

Không những vậy, đối với các học sinh chơi đàn tay trái luôn luôn là điểm yếu. Chính vì lẽ đó nên ông cũng đã tập trung giúp đỡ cho các em bằng cách soạn ra các bản etude phục vụ cho luyện tập cho tay trái. Đối với vấn đề này Opus đầu tiên ông viết là Opus 399 bao gồm 10 bản etude tập trung vào tay trái với độ dài lên đến vài trang với thiết kế được chơi cho cả 2 tay tuy nhiên, tay trái là phần khó nhất. Những bài etude này được ông soạn để chơi các kĩ thuật arpeggios, quãng nhảy xa, octaves và các kĩ thuật khác.

Ngoài các tác phẩm Etude của Carl Czerny chỉ viết cho các em học sinh bình thường, ông còn viết cuốn Etude dành cho các người chơi với cấu tạo đôi bàn tay bé. Tiêu biểu là cuốn Etude Opus 748 với các bài tập có độ mở bàn tay bé phù hợp với tất cả các đối tượng tương ứng. Như ở ví dụ dưới đây các tác phẩm được viết trên 5 ngón tay sao cho từng ngón chạy từ ngón này đến ngón kia không quá rộng.

Đặc biệt, tuy các bài Etude của Carl Czerny không có yêu cầu về độ khó cao như các cuốn Etude khác của F.Chopin hay F.Liszt hay như các Etude khác của các nghệ sĩ thuộc trường phái ấn tượng như Claude Debussy nhưng trong các Opus mà mình viết, ông cũng có tập Opus 75, Grandes études de Salon với 25 bài tập Etude lớn chơi trong khán phòng nhỏ cũng bao gồm đầy đủ các kĩ thuật như là arpeggios, đúp nốt, các quãng nhảy và các kĩ thuật khác. 

Cuốn Etude opus 740 được đánh giá là cuốn Etude khó nhất với tiêu đề “Art of Finger Dexterity” – dịch: “nghệ thuật của sự linh hoạt ngón tay”. Đây là 50 bản Etude phát triển kĩ thuật Piano ở trình độ rất cao và đa dạng, đòi hỏi sự hoàn thiện cả về kĩ thuật ngón tay cũng như tiếng đàn.

Trong bản etude 3 opus 740 ô nhịp 1-3, các em học sinh phải vừa thể hiện được tay trái gồm 1 nốt luyến và 3 nốt staccato rõ nét đan xen làm chủ đề, vừa phải chơi linh hoạt tay phải làm sao 2 tay phải ăn khớp với nhau và thể hiện sự sạch sẽ trong tiếng đàn cũng như nêu bật lên chủ đề tay trái.

1.3 Khái quát hoạt động của các trung tâm âm nhạc 

1.3.1Sự hình thành và phát triển của mô hình trung tâm âm nhạc

Vào những năm 60, tại Hà Nội chỉ có Nhạc viện Hà nội, trường Trung Học văn hóa Nghệ thuật Hà nội trực thuộc Sở văn hóa thông tin Hà nội nay là trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên. Vào thập kỷ 90, nhà văn hoá hay Cung thiếu nhi đã mở các lớp dạy nhạc nghiệp dư cho các em học sinh nhỏ và hoạt động sôi nổi vào mùa hè. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mô hình trung tâm âm nhạc đã bắt đầu xuất hiện đáp ứng nhu cầu học nhạc của đại chúng, đặc biệt là các em nhỏ. 

Hiện nay, tuy đã có mô hình trung tâm âm nhạc với hình thức học tập thể, lớp cá nhân, các hoạt động ngoại khoá, các lớp năng khiếu, sinh hoạt hè, phổ cập đại trà, đại chúng cho học viên những giờ học ngoài giờ. Tuy nhiên về âm nhạc Hàn Lâm thì chưa được phổ cập rộng rãi. Áp dụng mô hình của Yamaha phải kể đến là trung tâm Magic Music với các khoá học giảng dạy lớp tập thể và cá nhân. Bên cạnh đó là một vài các trung tâm khác cũng có mô hình này. Chỉ có một số các trung tâm như Hoàng Cung áp dụng mô hình chuyên nghiệp dạy lớp cá nhân. Cả 2 trung tâm đều là những trung tâm có uy tín, có đội ngũ giáo viên, cộng tác viên, giảng viên là các thầy cô được đào tạo tại các cơ sở âm nhạc chuyên nghiệp như Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội v..v.. 

1.3.2. Các giáo trình phổ biến đang dạy ở trung tâm

Các trung tâm tuy được mở rộng ra nhiều nhưng đem tới cho các học viên rất ít tác phẩm mang tính chuyên nghiệp hoá. Các dạng tác phẩm trong giáo trình nước ngoài được các trung tâm sử dụng là Methode Rose, Sebastien, Suzuki, ABRSM, Rockschool, Trinity, Thompson hay AMEB.

Giáo trình Suzuki thường dùng các tác phẩm cổ điển từ Bach đến thế kỉ 20 như Ravel, Debussy, rất sát với giáo án được sử dụng tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Trinity thường thay đổi giáo trình theo chu kì 3 năm một lần cũng với các tác phẩm thuộc nhiều thời kì. AMEB chia ra làm 2 mảng chính là Leisure và Classique với Leisure là cấp độ thấp hơn, lấy chất liệu là việc chuyển soạn các bài nhạc phim chuyên nghiệp và Classique là cấp độ cao hơn cũng lấy các tác phẩm từ các thời kì khác nhau như 2 giáo trình trên. Thompson thì được các giảng viên ở Hoàng Cung sử dụng cho các em học sinh bé với các tác phẩm cũng ở nhiều thời kì từ Baroque đến thế kỉ 20 với một số tác phẩm hay được sử dụng ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong đó có Etude Burgmuller có tiêu đề.

Tóm lại, giáo trình tại các trung tâm âm nhạc khá đa dạng, một số trung tâm có giáo trình nhưng cũng có một số không vì còn phụ thuộc vào giáo viên, tùy thuộc vào trình độ học sinh để giao bài cho phù hợp. Một số trung tâm có giáo trình được biên soạn riêng, có tổ chức thi định kì, quy định bắt buộc về thể loại bài rõ ràng. 

1.3.3. Giảng dạy Etude Czerny tại các trung tâm:

Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của một số giảng viên, nghệ sĩ đang tham gia giảng dạy tại các trung tâm âm nhạc ở Hà Nội. Theo Giảng viên Nguyễn Quỳnh Trang, cô hiện đang là giảng viên chính thức tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, hiện đang giảng dạy tại Trung tâm đào tạo và phát triển âm nhạc Inspirito chia sẻ đối với các bạn học viên của mình, cô sẽ tuỳ theo trình độ từng bạn mà sẽ giao bài Etude Czerny cho phù hợp. Đối với các bạn muốn trau dồi kĩ thuật luyện ngón nhưng vẫn thích giai điệu thì sẽ được cô cho tập các tác phẩm Etude Burgmüller nhưng mà đối với các bạn có nhu cầu trau dồi kĩ thuật hơn nữa thì sẽ được tập các bài Etude Czerny với Opus 299 là nhiều nhất và sẽ điều chỉnh trong tương lai phù hợp với sự phát triển kĩ thuật của học viên.

Là một giảng viên thâm niên của khoa piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam, ngoài công việc chính ở trường, NSƯT Trần Tuyết Minh cũng là giảng viên tại trung tâm âm nhạc Hoàng Cung, Theo nhận xét của bà, đối với các em nghiệp dư học ở Hoàng Cung, bà thường áp dụng giáo trình Thompson từ cấp độ 1 đến 7. Đối với các em có năng khiếu thì sau khi hết cấp độ 4, 5 thì có thể chuyển tiếp sang giáo trình Nga. Các tác phẩm ở giáo trình Thompson thì chủ yếu là các bài có độ dài từ ngắn đến vừa phải do chính tác giả chuyển soạn và số lượng Etude ít. Ở giáo trình Nga với 7 cấp độ, cấp độ 1 và 2 đưa vào 1 tập, cấp độ 3 và 4 thành 1 tập. Với bộ sách Nga, các giáo trình có đầy đủ các tác phẩm: Phức điệu, tự do, Sonate và Etude và đặc biệt cũng có Etude Czerny trong bài giáo trình của mình. Khi các em kết thúc cấp độ 3-4 thì các em có thể chơi các tác phẩm tương đương với trình độ để thi đầu vào của Học Viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam. Etude Czerny thì bà hay dùng Opus 636 và Petit Czerny cho các em có trình độ tương đương sơ cấp 1 và 4, còn đối với các em ở những học sinh có trình độ  cao hơn thì sử dụng Opus 299 và Opus 740. Ngoài ra bà còn chọn các Etude của Heller, các bài trong cuốn của tác giả Burgmuller Opus 100, 109 đến 105 là khó nhất, tuy nhiên độ khó không bằng Etude Czerny. 

Thạc sĩ Trần Hà Mi, giảng viên khoa piano ở trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hiện là cộng tác viên tại trung tâm Hoàng Cung, cô cho biết với các etude Czerny, các Etude trong Opus 599 là tương đối dễ sử dụng nhất, do đó đối với các em học sinh ngay cả người lớn cũng có thể tiếp cận để học được. Tiếp đến là Opus 849 được dùng để luyện ngón rồi đến Opus 636 và cuối cùng là Opus 299 có tính chuyên nghiệp hơn và có khả năng đủ trình độ để thi vào nhạc viện học 3 năm đầu. Còn riêng đến năm thứ 4 thì cô thường sử dụng Opus 740. 

TS. Nguyễn Hoàng Phương, giảng viên ở trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hiện là cộng tác viên tại trung tâm Hoàng Cung và cũng đồng thời là người hướng dẫn đề tài luận văn này, thầy đánh giá cao tầm quan trọng của Etude Czerny ở các trung tâm âm nhạc. Ngoài những thể loại phức điệu, sonatina , thầy thường xuyên giao cho các em học sinh luyện tập các Etude để nâng cao trình độ kĩ thuật ngón tay. Các Etude độ khó vừa phải, phù hợp với trình độ từng em học sinh. Các Etude Czerny thường không phức tạp về giai điệu và hoà thanh nên khá gần gũi với các em học sinh nghiệp dư và thầy thường hay sử dụng các Etude từ tuyển tập Opus 599, 849 cho các em từ 7 đến 9 tuổi.  

1.3.4 Một số vấn đề bất cập trong mô hình trung tâm âm nhạc

Trong bài viết đăng trên tạp chí “Giáo dục âm nhạc” của PGS.TS. Nguyễn Huy Phương được xuất bản bởi Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tác giả có đánh giá những ưu điểm và nhược điểm trong cách quản lý và giảng dạy âm nhạc vận hành của mô hình tại các cơ sở tư nhân. 

Về mặt tích cực, các trung tâm âm nhạc có thể giảm thiểu chi phí vận hành, hình thức đào tạo giảng viên, tuyển sinh thường được triển khai nhanh và nhất quán do không bị ràng buộc bởi cơ chế, quy định của nhà nước. Chương trình đào tạo được mở rộng, đáp ứng theo nhu cầu học tập của học sinh, thời gian đào tạo không dài, tập trung vào mục đích rõ ràng, dễ dàng biến đổi tiếp thu các giáo trình mới, lấy chứng chỉ quốc tế tiên tiến và áp dụng vào thực tế nhanh. Bên cạnh đó công tác quản lý, marketing, luôn quan tâm đến học sinh nhiều hơn so với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, người làm việc ở các trung tâm âm nhạc luôn trong có xu hướng tìm kiếm cách thức tiếp cận mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng xã hội. Thực tế cho thấy, phần lớn các thí sinh thi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào trung cấp thuộc các chuyên ngành phổ biến như piano, violin, thanh nhạc, guitar…, các em đều học tập tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ở Hà Nội đều đã từng theo học tại các trung tâm âm nhạc tư nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác. 

Tiểu kết chương I

Như chúng ta đã biết, mặc dù nghệ thuật piano hàn lâm chuyên nghiệp của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nhiều học sinh đã gặt hái thành công trên các cuộc thi trong nước và quốc tế và âm nhạc cổ điển ngày càng được phổ biến rộng rãi, bên cạnh các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, đã xuất hiện thêm các trung tâm âm nhạc tư nhân tập trung vào giảng dạy nhiều bộ môn, đặc biệt là bộ môn piano với số lượng học viên đông đảo nhất. 

Các cơ sở chuyên nghiệp chú trọng đào tạo chuyên sâu các tác phẩm kinh điển và kèm theo các bài luyện ngón để rèn luyện kĩ năng, tuy nhiên các trung tâm bên ngoài thường tập trung chủ yếu vào các tác phẩm chính và thường bỏ qua phần luyện ngón quan trọng. Chính vì lý do đó độ chênh lệch về trình độ giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp với trung tâm khá lớn, các em học sinh thường có kĩ thuật không đảm bảo và luống cuống khi xử lý các phân đoạn đòi hỏi kĩ thuật cao. 

Đối với việc giảng dạy Piano tại các trung tâm, việc đưa vào các bài tập luyện ngón như Etude là rất cần thiết. Trong số các tác giả tiêu biểu từ thời cổ điển kéo dài đến tận ngày nay, Czerny là một tác giả rất được coi trọng trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng về việc rèn luyện kĩ thuật Piano. 

Chính vì lý do đó, ngoài việc trình bày tổng quan về phương pháp sư phạm và thể loại Etude của Carl Czerny trong dòng chảy âm nhạc Hàn Lâm cuối thế kỉ XVII - đầu thế kỉ XVIII, chương 1 cũng phân tích một số những khía cạnh về đặc điểm nổi bật cơ bản của Etude Czerny trong các tác phẩm mà có thể đưa vào giảng dạy do đó nêu lên tầm quan trọng của Etude Czerny trong việc dạy và học. Bên cạnh đó, chương 1 cũng nêu lên thực trạng việc giảng dạy Etude Czerny tại các trung tâm có uy tín ở Hà Nội. Việc dạy Etude Czerny tại các trung tâm rất hạn chế, chỉ có một số trung tâm đưa vào giảng dạy tại các lớp cá nhân như Hoàng Cung, Magic Music. Các vấn đề về các bài tập và phương pháp chơi cũng như quá trình áp dụng vào thực tiễn sẽ được nêu kĩ ở chương 2 của luận văn.

 

CHƯƠNG 2:

ỨNG DỤNG CÁC BÀI TẬP ETUDE CZERNY VÀO GIẢNG DẠY TẠI CÁC TRUNG TÂM 

2.1 Những bài tập kĩ thuật phổ biến trong các Etude của Czerny

 Tại một số trung tâm tại Hà Nội có dạy lớp cá nhân như Magic Music, Hoàng Cung Art, các em học sinh học Etude của Czerny chủ yếu thông qua tuyển tập 599, 636, 849 và đôi khi với các em có trình độ khá thì sẽ chơi những Etude ở Opus 299. Chính vì lẽ đó mà phần đầu tiên của chương hai sẽ chủ yếu đưa ra các ví dụ, phân tích yêu cầu kĩ thuật đối với các Etude tại các tuyển tập nói trên thông qua 4 mảng chính là kĩ thuật chạy gam, rải, đúp nốt quãng 3, quãng 8 và các kĩ thuật về cách phát âm thường hay sử dụng tại các tuyển tập mà các em hay dùng tại các trung tâm âm nhạc kể trên. 

2.1.1 Kĩ thuật chạy gam 

Trong quá trình rèn luyện tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và trường Hoc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, học sinh bắt buộc phải hoàn thành các bài tập chạy gam với rất nhiều các loại khác nhau từ đơn giản đến phức tạp từ khi bắt đầu đến hết trung cấp. Trong mọi thể loại âm nhạc đây là kĩ năng luôn luôn được chú trọng đầu tiên và xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của mọi tác giả từ các thời kì khác nhau. Kĩ thuật này đòi hỏi người chơi phải chơi chính xác một dãy các nốt nhạc theo trình tự từ âm thấp nhất đến âm cao nhất theo thứ tự tăng dần với các nốt dựa vào thang âm gam được định sẵn. Ngay từ những bài tập đầu tiên trong Opus 599 đã có những bài rèn luyện kĩ năng này.

Bài etude số 19 Opus 599 ô nhịp 1-5, các em phải chơi legato ô nhịp thứ 1 ở gam đô trưởng ở tay phải, ở đây giữa ngón 3 và ngón 1 các em phải luồn ngón cái thật nhanh để tạo thành một tuyến giai điệu đi liền mạch, tạo cảm giác uyển chuyển không bị ngắt quãng. Ở ô nhịp thứ 3 cũng là cách chơi như vậy nhưng các nốt di chuyển lần lượt và lần này các em phải vắt ngón 3 thật nhanh gọn qua ngón 1.

         Ở ví dụ etude 56 Opus 599 ô nhịp 17-24 và Etude số 49 Opus 599 ô nhịp 1-4, tác giả đã dùng các loại gam khác nhau để tăng cường tính năng động của các ngón tay. Ở ví dụ đầu tiên là gam chromatique với các nốt đi liên tục nửa cung. Số ngón tay có thể theo tác giả ghi chú hoặc do học sinh hay giáo viên yêu cầu, thông thường nốt đen thì các em nên chơi ngón 3, còn các nốt còn lại có thể linh hoạt thay đổi 1, 2, 3 tuỳ vào trình độ của học sinh. Ví dụ sau tác giả có dùng gam Si giáng thứ, số ngón tay sử dụng cũng là số ngón tay của gam này. 

        Thông qua các bài tập kĩ thuật này, các em có khả năng chơi được những đoạn kĩ thuật dài đòi hỏi phải chạy gam nhiều, tăng sức bền giúp cho những đoạn xử lý được trôi chảy hơn, tạo sự tự tin khi chạy các đoạn gam dài. 

2.1.2 Kĩ thuật chạy rải  

Đi kèm với gam trưởng, thứ thì rải (arpeggio) cũng là kĩ thuật khá phổ biến đối với mọi tác giả thuộc nhiều thời kì. Đối với các học sinh mới học đàn, do chưa có cầu tạo bàn tay phù hợp để chơi các đoạn dài cần những bước nhảy lớn nên ở cuốn Opus 599 các em được giới thiệu khá ít bài và thường là ở những tác phẩm 3 dòng để các em làm quen dần với cách chơi này. Mãi đến các tác phẩm gần cuối mới xuất hiện và tần suất cũng không nhiều như ví dụ sau đây. 

Ví dụ 2.1: Etude số 99 Opus 599 ô nhịp 6-8

         2.1.3 Kĩ thuật đúp nốt quãng 3

Trong số các kĩ thuật Piano thì đây là một kĩ thuật đòi hỏi cuòng độ hoạt động của ngón tay nhiều hơn. Đối với các học viên, do cấu tạo của các ngón tay không hoàn hảo nên tác giả ít khi có những tác phẩm yêu cầu học viên của mình chơi đúp nốt quãng 3 nhiều, chủ yếu là một số các bài tập bổ trợ nhỏ. Yêu cầu của kĩ thuật này đòi hỏi người chơi phải phối hợp cùng lúc 2 ngón tay tuỳ theo quy định để tạo thành một tuyến giai điệu gồm các hợp âm quãng 3 vừa rõ ràng vừa có giai điệu, không bị mất nốt. Có thể sẽ là các nhóm 2 ngón tay 1-3 và 2-4, 1-3 và 3-5, 1-4 và 2-3 v..v.. tuỳ thuộc vào kĩ thuật của người chơi và yêu cầu của tác giả tác phẩm yêu cầu. 

Đối với Etude Czerny, ngay từ các bài đầu tiên, ông đã đưa vào trong tác phẩm của mình những dạng từ dễ đến khó. Ngay ở ví dụ dưới đây trong bài tập số 17 cuốn Opus 599 của mình, người chơi cần tập những đoạn đúp nốt quãng 3, bắt đầu bằng việc luôn chuyển giữa 2 quãng 3 thứ và 3 trưởng. Ở ví dụ 2.10 đầu tiên, các em phải luôn chuyển ngón 1-3 và 2-4 nhịp nhàng ở ô nhịp đầu tiên, sau đó đến ô nhịp thứ 2 là ngón 5-3 và 4-2, kết thúc là hai đúp nốt chơi staccato 1-3 và 2-4. Hay ở ví dụ 2.11 cũng trong cuốn Opus 599 này, bài tập 24 đòi hòi các em phải chơi legato ở 3 đúp nốt đầu tiên trong mỗi ô nhịp và kết thúc bằng 3 đúp nốt sau đó staccatto. Tuy bài chỉ có độ dài trong 3 dòng nhạc nhưng các đúp nốt thường xuyên được chơi để tăng cường sức bền cho người học.

Ví dụ 2.2: Etude số 17 Opus 599 ô nhịp 1-5

Ví dụ 2.3: Etude số 24 Opus 599 ô nhịp 1-5

         2.1.4 Kĩ thuật về cách phát âm

Với sự ra đời và cải tiến của Piano, các kĩ thuật của Piano đã được hoàn thiện rất nhiều. Ở piano, có ba cách phát âm chính được sử dụng đan xen để tạo màu sắc cho tác phẩm đó là Legato, Non – Legato và Staccato, đặc biệt là staccato và Legato đan xen với những nốt liền kéo dài để tạo màu hoà thành chạy phía trên hay phía dưới. 

Legato là kĩ thuật cơ bản và dễ thực hiện nhất. Khi chơi Legato các em phải chơi ngón sau liền với ngón trước vừa nhấc lên. Chơi gọn tạo cảm giác liền mạch cả tuyến giai điệu, tránh bị ngắt lên giữa chừng tạo thành 2 câu khác nhau, Legato thường có có dấu nối ở nốt đầu tiên đến nốt kết thúc câu nhạc hoặc chú thích bằng chữ. Ở ngay bài tập đầu tiên trong cuốn Etude Opus 849 của Czerny, tác giả đã sử dụng kĩ thuật Legato cho toàn bộ tác phẩm với các nốt chạy liên tục, những ô nhịp đầu là các nốt khác nhau không giữ còn lúc sau là nốt sol giữ liên tục ở trên và ở dưới tạo màu hoà thanh.

Ví dụ 2.4: Etude số 1 Opus 849 ô nhịp 1-3

Ví dụ 2.5: Etude số 27 Opus 599 ô nhịp 1-2

         2.1.5 Các kĩ thuật khác:

         Opus 636 giúp các em vê nốt (repete) và củng cố ngón 5 lần lượt như ví dụ sau:

Ví dụ 2.6: Etude số 9 Opus 636 ô nhịp 1-2

Ví dụ 2.7: Etude số 2 Opus 636 ô nhịp 1-2

Trong ví dụ 2.6, các em phải linh hoạt thay đổi ngón 4, 3, 2 sao cho phù hợp để chơi được tác phẩm Etude này. Còn trong ví dụ 2.7, các em phải linh hoạt giữ ngón 5 sao cho các đoạn chạy ngón được mềm mại, không ngắt quãng.

            Như vậy có thể thấy Czerny đã chú trọng đến lứa tuổi để áp dụng các bài tập luyện ngón trong các Opus 599, 636 và 849 bởi đây là lứa tuổi phát triển ở giai đoạn đầu khi còn học đàn. Do đó các Etude này rất phù hợp để áp dụng vào giảng dạy tại các trung tâm âm nhạc.

 2.2 Thực nghiệm sư phạm

         2.2.1 Phương pháp kết hợp lý thuyết – thực hành trong giảng dạy piano

         * Rèn luyện tư duy logic trong luyện tập piano

         Việc rèn luyện tư duy logic trong luyện tập được thể hiện trong cả lĩnh vực lý thuyết và thực hành đàn piano. Hiện nay tư duy tốt là chìa khoá vàng giúp học sinh thành công trong học tập nói chung và trong luyện tập đàn piano nói riêng. Trong giảng dạy đàn piano, người giảng dạy chuyên môn của học sinh, sinh viên khi thể hiện qua các buổi học trả bài cần tìm hiểu các em giải quyết các vấn đề kỹ thuật như thế nào, từ đó giảng viên phân tích và so sánh để các học sinh có những suy luận và tư duy thông minh, hiệu quả hơn trong cách giải quyết các vấn đề liên quan tời kỹ thuật thực hành. 

         * Tư duy logic vào hoạt động nhận thức trong việc học piano 

         Tư duy logic có tác động to lớn đến hoạt động nhận thức trong học đàn piano. Có một số khía cạnh sau đây:

         - Thứ nhất, tư duy logic cho ta một sự hiểu biết tương đối đầy đủ và có hệ thống về các vấn đề chúng ta đang nhận thức, trong đó có các kiến thức lý thuyết và thực hành âm nhạc. Học sinh khi có tư duy logic, các em sẽ hiểu được hệ thống các quy luật, quy tắc của vấn đề mà các em gặp phải trong đó có thể thực hành phát ra âm thanh trên cơ sở các vấn đề lý thuyết chuyên ngành. Trong quá trình hoạt động thực hành đàn piano, học sinh dần dần phát hiện và nhận biết được tư duy, song sự nhận biết đôi khi còn rời rạc, không có tính hệ thống, chưa được hiểu thấu một cách rõ ràng. Chính vì lẽ đó, rèn luyện tư duy logic không chỉ là con đường ngắn nhất mà còn là con đường tối ưu để hiểu biết một cách sâu sắc nhất các đặc trưng, các thao tác của tư duy, đặt biệt là các tư duy về đặc điểm cấu trúc âm nhạc… Ngoài ra, tư duy logic còn giúp con người không chỉ nắm vững mà còn rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo tư duy, thành thạo và nâng cao khả năng vận dụng các quy luật, quy tắc của sự vật hiện tượng vào hoạt động nhận thức, cũng như vận dụng các tri thức vào hoạt động thực tiễn.

         - Thứ hai, với sự phát triển của thực tiễn và của nhận thức, con người càng ngày càng có sự hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, chính xác hơn về bản thân tư duy. Chính quá trình hiểu biết ấy là cơ sở tạo ra sự phát triển của tư duy logic trong việc biểu diễn piano. Tư duy logic là kỹ năng cơ bản và quan trọng, giúp chúng ta vững bước cải thiện và thành công hơn trong việc rèn luyện piano và mọi lĩnh vực biểu diễn âm nhạc khác. 

         *Tích luỹ kinh nghiệm trong thực hành

         Trải qua một quãng thời gian tích luỹ kinh nghiệm chắc chắn là một trải nghiệm có rất nhiều ích lợi, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến thực hành. Một tác phẩm kinh điển luôn được giải quyết bằng hàng loạt những kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành. Chuyển sang một tác phẩm hoàn toàn mới, những kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành đã từng được vận dụng vào bài cũ vẫn có thể được sử dụng, không nhiều thì ít nhưng chắc chắn là tác phẩm mới luôn luôn kế thừa các tác phẩm cũ. 

         Nên đổi mới cách dạy, trước đây khi giao bài mới, giảng viên thường chỉ đàn mẫu để học sinh cảm nhận giai điệu, làm quen hoà âm và tinh thần của bài mới. Với phương pháp kết hợp lý thuyết và thực hành thì ngoài việc đánh mẫu, giảng viên cũng cho các em tiếp cận với các bài Etude, luyện ngón bổ trợ cho loại kỹ thuật này nói qua cho học sinh về tác giả, nét đẹp của các tác phẩm thời kì này. Giảng viên phải chỉ một cách hết sức tỉ mỉ cho học sinh đâu là giai điệu chính, phần nối, đâu là phần đệm, đâu là những kỹ thuật đã được tôi luyện trong các bài Etude, luyện ngón, các tác phẩm cũ đã học qua, các kỹ thuật mới đòi hỏi học sinh cập nhật nào để hoàn thành. 

         * Thay đổi cách đánh giá sức học của học sinh

         Chúng ta rất cần có sự thay đổi trong định hướng kiểm tra đánh giá, chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức kỹ năng sang đánh giá năng lực của học sinh, đề cao năng lực tư duy sáng tạo của người học. Chúng ta nên đánh giá thường xuyên, cụ thể là sau mỗi buổi trả bài của học sinh ở trên lớp học, trước khi ra về, giảng viên chuyên môn cần cho các học sinh ở trên lớp, trước khi ra về, giảng viên chuyên môn cần cho các học sinh chơi lại bản nhạc đã học rồi tổng kết và đưa ra các nhận xét, góp ý, gạch đầu dòng về những kiến thức mà học sinh đã lĩnh hội cũng như những kiến thức mà học sinh cần bổ sung trong những buổi học tới. Việc khuyến khích tự đánh giá bản thân cũng như thể hiện cá tính và khả năng sáng tạo của các nhân học sinh là điều nên làm. 

         * Khuyến khích các học sinh tìm tòi, thưởng thức các tác phẩm 

         Nghe nhạc là việc cần thiết với tất cả các nhạc sĩ, từ nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ biểu diễn đến nhạc sĩ phê bình, lý luận, các nhà sư phạm âm nhạc và là phần không thể thiếu đối với hầu hết các thính giả yêu âm nhạc. Chính vì lẽ đó các giảng viên piano cần khuyến khích các em học sinh thường xuyên nghe nhạc, không chỉ là các tác phẩm cổ điển mà nhiều thể loại khác và các bài Etude luyện ngón mà thầy cô đã soạn cho các em để các em rèn luyện kĩ năng, được biểu diễn bởi nhiều nghệ sĩ hay các bạn đồng trang lứa khác nhau. Học sinh có thể nghe nhạc thông qua nhiều hình thức, phương tiện, hệ thống trang thiết bị, tai nghe chuyên dụng (nghe với các ứng dụng trực tuyến và ngoại tuyến) và nghe nhạc tại các phòng hoà nhạc (nghe trực tiếp). Việc nghe nhạc trước khi và sau khi chơi nâng cao góc nhìn, óc thẩm mỹ của các em, mở rộng danh mục tác phẩm mà các em kiểm soát được. 

         2.2.2 Mục đích, đối tượng giáo án và nội dung thực nghiệm

         * Mục đích

         Để xác minh tính thực tiễn, tính khoa học và ứng dụng của những yêu cầu về kĩ thuật của các bài luyện ngón tại các trung tâm âm nhạc bằng cách đưa Etude Czerny vào giáo trình dạy học và đạt được những thành quả tốt hơn trong việc rèn luyện kĩ thuật cho học sinh, có kết quả tốt hơn trong biểu diễn đàn piano là mục đích của việc phân tích vai trò quan trọng của Etude Czerny trong giảng dạy Piano tại một số trung tâm đào tạo ở Hà Nội. Được sự đồng ý của người sáng lập ra trung tâm Nốt nhạc vui chúng tôi tiến hành việc giảng dạy thực nghiệm trong 1 năm học của các em giữa năm 2019 đến giữa năm 2020. Cuối mỗi năm học thì đều có một buổi biểu diễn tại trung tâm. Đây là một việc làm rất thiết thực và cần thiết để chúng tôi có được những ý kiến đóng góp khách quan, từ đó nhận biết được những ưu nhược điểm của các vấn đề đã được nêu ra để có những bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện, có tính thực tiễn cao.

         * Nội dung và Bố cục bài giảng thực nghiệm

Trong khuôn khổ nghiên cứu của bài luận văn, chúng tôi áp dụng những bài tập đã đề xuất vào thực nghiệm sư phạm, cụ thể những nội dung chính như:

- Đối với nhóm đầu tiên, các em sẽ được giao các bài tập luyện ngón, cụ thể là bài Etude số 97 trong cuốn Opus 599 của Czerny, gam Đô trưởng và cả rải, học lý thuyết cũng như thực hành và kết hợp một tác phẩm Sonatine in C, opus 36 của nhà soạn nhạc Muzio Clementi. 

- Đối với nhóm thứ hai, chúng tôi dự định sẽ thảo luận về lý thuyết cũng như thực hành chơi tác phẩm Sonatine in C của nhà soạn nhạc Muzio Clementi mà không đưa vào bất kì bài tập luyện ngón hay gam nào. 

- Sau một thời gian chúng tôi sẽ so sánh, đánh giá kết quả đạt được dựa trên việc biểu diễn một số tác phẩm cụ thể. 

Dựa trên những giải pháp đã đề xuất, chúng tôi tiến hành xây dựng giáo án với các phương pháp đã được nêu ra trong bài luận văn, sau đó áp dụng giảng dạy với đối tượng đã được chọn sẵn. 

         * Lý do chọn Etude số 97 trong Opus 599 để hỗ trợ cho bài tác phẩm Sonatine in C sáng tác bởi Muzio Clementi.

         Etude số 97 trong cuốn 599, ngoài những đoạn chạy ngón liền bậc còn có những quãng nhảy rất thích hợp với yêu cầu của tác phẩm, thêm vào đó ở tốc độ cao còn giúp các em thoải mái hơn trong việc thực hiện các đoạn dài và đòi hỏi nhiều sự dẻo dai như bài Sonatine in C, một phân đoạn gồm rất những đoạn chạy liền bậc, chạy rải (arpergio) và nhảy quãng xa. Chính vì lý do đó bài tập rất phù hợp với tác phẩm mà chúng tôi dự định sẽ làm thực nghiệm. 

         2.2.3 Đánh giá kết quả thực nghiệm

         Qua thời gian tiến hành giảng dạy thực nghiệm, căn cứ vào kết quả cuộc biểu diễn cuối kì trong khoảng thời gian 2 tháng trên, chúng tôi đã có những kết quả khả quan khi so sánh kết quả học tập của hai nhóm học sinh: nhóm được thực nghiệm và nhóm học sinh không được thực nghiệm phương pháp đưa thêm giáo trình Etude vào(nhóm đối chứng). Cụ thể như sau:

  1. Đối với nhóm thứ nhất: 

Về thái độ học các em rất hăng say học tập, các thao tác kĩ thuật được cải thiện rất nhiều và ổn định do luôn nắm vững và hiểu rõ các cơ sở lý luận trong từng kỹ thuật được sử dụng trong tác phẩm chính cũng như những kiến thức về các đặc điểm cấu trúc và phong cách âm nhạc. Thông qua các bài tập bổ trợ Etude và gam, học sinh đã tiến bộ và cứng cáp lên từng ngày trong phong cách cũng như kỹ năng biểu diễn. Thêm vào đó, ở cuối buổi học đều có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong các nhận xét khách quan mang tính xây dựng, tạo nên một không khí học tập đầy nhiệt huyết, từ đó đã khiến các em học sinh luôn cố gắng tập những bài tập đã giao, kể cả tác phẩm lẫn bài tập luyện ngón. 

Đối với nhóm thứ hai:

Thái độ học tập của em trong nhóm đối chứng chưa thực sự hăng say, tập luyện còn ít, vẫn còn mang tính thụ động và đối phó. Kỹ năng biểu diễn còn hạn chế và không ổn định trong việc làm chủ các kỹ thuật diễn tấu. Đi trả bài không đều và ít tương tác với thầy giáo chuyên môn cũng như ít tham khảo các tài liệu trên mạng để trau dồi kiến thức, còn e dè và chưa cởi mở trong lớp học. Ngoài kiến thức được thầy giáo chuyên môn truyền đạt trên lớp, các em chưa thực sự hào hứng trong việc tập luyện và xây dựng bài.

Tiểu kết Chương 2

Với mục đích giới thiệu, nâng cao chất lượng đào tạo giảng dạy piano tại các trung tâm đào tạo ở Hà Nội, hướng tới mục tiêu đào tạo đầu ra là các lứa học sinh có kĩ thuật vững vàng có thể tiệm cận được với môi trường chuyên nghiệp, vươn ra quốc tế trong tương lai, các em cần được trang bị rất nhiều kĩ năng cần thiết một trong số đó là hoàn thiện kĩ thuật ngón tay một cách bài bản đúng phương pháp. Để làm được điều này, chúng tôi nhận thấy các bài tập Etude Czerny có vai trò rất quan trọng.

Trong chương 2, chúng tôi đã đưa những yếu tố về lý thuyết và thực hành trong việc phân tích một số tác phẩm trong một số tuyển tập Etude của Czerny cụ thể. Đây là điều rất cần thiết để học sinh chơi piano hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa việc học tập lý thuyết và việc ứng dụng trong thực hành luyện tập đàn piano. Việc cân đối về lượng kiến thức giữa lý thuyết và thực hành trong quá trình đào tạo sẽ là một trong những giải pháp giúp các em học sinh có được sự chủ động, tự tin trong học tập, trở thành những người có kỹ thuật thật thành thạo, trình diễn trong tương lai, bộc lộ tối đa khả năng tiềm ẩn bẩm sinh của mỗi cá nhân đồng thời khai thác triệt để tính năng nhạc cụ và khả năng truyền tải âm nhạc kỳ diệu của cây đàn.

Qua thời gian tiến hành giảng dạy thực nghiệm, căn cứ vào kết quả phần trình diễn hết khoá học, chúng tôi đã có được những kết quả khả quan khi so sánh kết quả học tập của hai nhóm học sinh, nhóm được thực nghiệm rèn luyện kĩ thuật với các bài tập luyện ngón Etude của Czerny và nhóm học sinh không được thực nghiệm những bài tập này (nhóm đối chứng). Điều này giúp cho chúng tôi tin tưởng hơn ở phương pháp dạy học kết hợp lý thuyết và thực hành trong việc áp dụng Etude Czerny vào các trung tâm âm nhạc ở Hà Nội.  

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

         Có thể nói các tác phẩm Etude viết cho piano của Czerny rất giàu màu sắc, đa dạng trình độ và chứa đựng rất nhiều yếu tố đặc điểm chuyên sâu về việc rèn luyện kĩ thuật, khẳng định chính xác vai trò và sự thành công của ông trong lĩnh vực sư phạm và lịch sử hình thành của âm nhạc cổ điển. Các Etude của ông không chỉ có số lượng đồ sộ mà còn có giá trị thực tiễn rất lớn trong việc dạy học piano. Những bài tập này có giá trị mang tính nền tảng, tình thực tiễn, có giá trị lâu dài. Những đóng góp của ông đã tạo nên sự thay đổi lớn đến phương pháp rèn luyện, nâng cao kĩ thuật đến bây giờ.  

Qua quá trình nghiên cứu, chúng ta đã phân tích và rút ra được những mặt ưu và nhược điểm của mô hình giảng dạy đào tạo âm nhạc. 

Về mặt tích cực, các trung tâm âm nhạc có thể giảm thiểu chi phí vận hành, hình thức đào tạo giảng viên, tuyển sinh thường được triển khai nhanh và nhất quán do không bị ràng buộc bởi cơ chế, quy định của nhà nước. Chương trình đào tạo được mở rộng, đáp ứng theo nhu cầu học tập của học sinh, thời gian đào tạo không dài, tập trung vào mục đích rõ ràng, dễ dàng biến đổi tiếp thu các giáo trình mới, lấy chứng chỉ quốc tế tiên tiến và áp dụng vào thực tế nhanh. Bên cạnh đó công tác quản lý, marketing, luôn quan tâm đến học sinh nhiều hơn so với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, người làm việc ở các trung tâm âm nhạc luôn trong có xu hướng tìm kiếm cách thức tiếp cận mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng xã hội. Thực tế cho thấy, phần lớn các thí sinh thi tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào trung cấp thuộc các chuyên ngành phổ biến như piano, violin, thanh nhạc, guitar… học tập tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ở Hà Nội đều đã từng theo học tại các trung tâm âm nhạc tư nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác. 

Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm nói trên, các trung tâm âm nhạc theo mô hình tư nhân này vẫn còn khá nhiều nhược điểm như phần lớn chương trình giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo mang tính chuyên nghiệp, chất lượng đầu ra chưa cao, có khá nhiều trung tâm chạy theo khía cạnh thương mại mà xem nhẹ chất lượng. Đội ngũ giảng viên chưa được đào tạo chuyên nghiệp, thiếu các chứng chỉ, bằng cấp liên quan đến chuyên ngành đào tạo hoặc trình độ chuyên môn thấp. Giáo trình đào tạo chưa rành mạch, thiếu tính hệ thống, đa phần chỉ cóp nhặt chứ không áp dụng một giáo trình cụ thể, không có các bước đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu, các bài học thường mang tính giải trí. Không có quy trình đánh giá kết quả học tập sau mỗi khoá học hoặc học kỳ. 

         Tôi xin được đề xuất một số khuyến nghị như sau: 

         Đối với các giáo viên tại trung tâm: tăng cường các hoạt động ngoại khoá, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, đặc biệt lưu ý cập nhật thông tin các khoá học, chương trình, giáo trình piano ở trong nước và nước ngoài. Các hoạt động trên phải diễn ra thường xuyên và có mục đích cụ thể, từ đó sẽ rút ra những kinh nghiệm bổ ích trong việc dạy và học của bộ môn piano. 

         Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Nguyễn Hoàng Phương, người đã trực tiếp hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, tôi cũng xin được cảm ơn những góp ý vô cùng quý báu từ GS.TS.NGND Nguyễn Thu Hà, PGS.TS. Nguyễn Huy Phương và TS. Đào Trọng Tuyên để giúp tôi hoàn thành luận văn của mình./.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn