Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13705948
Tin tức hoạt động Thứ bảy, 21/12/2024

Tác giả: Lê Thị Thơ
Đề tài: "Giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam"
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 62.21.02.01.
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Bình Định
Ngày đăng: 12/9/2022 

Luận án toàn văn

Những đóng góp mới của luận án

1. Những đóng góp mới về lý luận

Luận án là một trong những công trình đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm thanh nhạc và giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Vì thế, luận án đã góp vần hệ thống hóa và phát triển được cơ sở lý luận có liên quan đến ca khúc và giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong các cơ sở đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp; làm rõ được các đặc điểm về điệu thức, quãng đặc trưng và các âm hình luyến láy hay gặp, về các yêu cầu kỹ thuật thanh nhạc, yêu cầu thể hiện hình tượng, cảm xúc trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung.

2. Những đóng góp mới về thực tiễn

Luận án đề xuất một số giải pháp giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy thanh nhạc nói chung, giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung nói riêng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từ đó góp phần hình thành nhiều hơn các ca sĩ thành danh trong dòng nhạc mang âm hưởng dân ca. Cùng với đó, luận án đưa ra một số khuyến nghị để cho các cơ sở đào tạo thanh nhạc ngoài Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có thêm những gợi ý về cách chọn bài và kỹ thuật thanh nhạc khi giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung.

Tóm tắt Luận án

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

      Trong chương trình đào tạo chuyên ngành thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, bên cạnh việc sử dụng các tác phẩm thanh nhạc của các nhạc sĩ nước ngoài, chủ yếu là phương Tây, việc giảng dạy các tác phẩm thanh nhạc Việt Nam là một nhiệm vụ bắt buộc. Trong số những ca khúc Việt Nam được đưa vào giảng dạy tại khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Học viện), các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung chiếm một số lượng lớn. Đây là loại ca khúc vừa phong phú, đa dạng về nội dung, đề tài, thể loại, mang rõ nét phong cách vùng miền, vừa đạt được những hiệu quả tốt trong việc thể hiện các yếu tố mang tính kỹ thuật, nghệ thuật đối với một tác phẩm viết cho thanh nhạc; được đông đảo công chúng mến mộ, ưa thích. Tuy nhiên, việc giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như việc lựa chọn và sắp sếp các ca khúc chưa thực phù hợp; cách thể hiện các đặc điểm thanh nhạc của ca khúc chưa đạt kỹ thuật cao. 

Từ những lý do đã trình bày ở trên, việc lựa chọn đề tài luận án "Giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam" là cần thiết cả về lý luận và thực tiễn. Hy vọng, thông qua đề tài luận án sẽ góp phần hệ thống hóa và làm rõ được đặc điểm thanh nhạc của các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung; từ đó hình thành được nhiều hơn các ca sĩ suất sắc trong biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung.

2. Tổng quan các công trình và khoảng trống nghiên cứu

Luận án đã tổng quan các công trình nghiên cứu theo các nhóm nội dung cơ bản sau: các công trình nghiên cứu về nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam (hát mới); các công trình nghiên cứu về đào tạo thanh nhạc; các công trình nghiên cứu về ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung; các công trình nghiên cứu về việc giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Kết quả tổng quan cho thấy có 2 khoảng trống cần được tiếp tục nghiên cứu trong luận án, đó là:

1) Hiện nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về đặc điểm thanh nhạc các ca khúc và giảng dạy các ca khúc trong đó có ca khúc dân ca. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào về đặc điểm thanh nhạc các ca khúc và giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, nhất là giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

2) Hiện nay đã có một số công trình nghiên cứu có nội dung có liên quan gián tiếp đến đặc điểm thanh nhạc các ca khúc và giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Tuy nhiên, các công trình này chỉ mới đề cập đến một vài khía cạnh nhỏ của vấn đề này.

3. Mục tiêu nghiên cứu 

3.1. Mục tiêu tổng quát

Luận án hệ thống hóa và làm rõ những đặc điểm thanh nhạc của các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung và đề xuất một số giải pháp cho việc giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sự hoàn thiện này góp phần đào tạo ra được ngày một nhiều ca sĩ tài năng, xuất sắc trong biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung.

3.2. Mục tiêu cụ thể

- Hệ thống hóa và làm rõ cơ sở lý luận có liên quan đến ca khúc và giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.

- Hệ thống hóa và làm rõ những đặc điểm thanh nhạc của các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung.

- Đánh giá thực trạng giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đồng thời tổng kết kinh nghiệm biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung của các ca sĩ, nghệ sĩ thành danh.

- Đề xuất một số giải pháp phù hợp hơn cho việc giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo đại học thanh nhạc tại Học viện; đồng thời đưa ra một số kiến nghị cho các cơ sở đào tạo thanh nhạc ngoài Học viện khi giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung.

4. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là những đặc điểm thanh nhạc của ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung và giảng dạy các ca khúc ấy trong đào tạo thanh nhạc trình độ đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Nghiên cứu đặc điểm thanh nhạc của các ca mang âm hưởng dân ca miền Trung được sáng tác trên cơ sở khai thác chất liệu dân ca người Việt ở miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), trong đó chỉ tập trung vào 4 nhóm làn điệu dân ca tiêu biểu.

- Luận án đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; đồng thời đề xuất kiến nghị cho các cơ sở đào tạo thanh nhạc khác ngoài Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho giai đoạn tới.

4.3. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng phương pháp kết thừa để thu thập thông tin, tài liệu thứ cấp; và phương pháp điều tra bằng phiếu để thu thập thông tin, tài liệu sơ cấp. Luận án sử dụng phương pháp tổng hợp và hệ thống hóa; phương pháp thống kê xã hội học để phân tích thông tin, tài liệu. Luận án sử dụng phương pháp thực nghiệm sư phạm để thử nghiệm, kiểm tra các giải pháp mà luận án đã đề xuất.

                                                 Chương 1

                         CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN      

 

1.1. Cơ sở lý luận của đề tài

1.1.1. Các kỹ thuật thanh nhạc cơ bản trong giảng dạy, đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp

Luận án đã khái quát các kỹ thuật thanh nhạc cơ bản được coi là bắt buộc đối với quá trình giảng dạy, học tập thanh nhạc chuyên nghiệp ở nước ta bao gồm hai phần: kỹ thuật hát kinh điển phương Tây và kỹ thuật hát tròn vành, rõ chữ theo truyền thống âm nhạc dân tộc. Kỹ thuật hát cổ điển phương Tây, gồm các kỹ thuật cơ bản như: kỹ thuật hát cantilena; kỹ thuật hát passage; kỹ thuật hát staccato; kỹ thuật hát trillo.

1.1.2. Một số vấn đề về phát âm và ngữ điệu trong tiếng Việt có ảnh hưởng tới nghệ thuật ca hát

        Cùng là người Kinh (tộc Việt) sống trên đất nước Việt Nam nhưng trong tiếng nói lại có sự khác nhau về cách phát âm và ngữ điệu giữa các địa phương, vùng miền. Đối với người Việt ở miền Trung đặc điểm đó lại càng được thể hiện rõ. Chẳng hạn như, trong phát âm và ngữ điệu của người Thanh Hóa, dấu ngã bị chuyển thành dấu hỏi (khí quyển = khí quyễn), dấu hỏi bị chuyển thành dấu ngã (sông Mã = sông Mả); trong phát âm và ngữ điệu của người Nghệ Tĩnh dấu nặng có khi bị chuyển thành dấu huyền (nặng gánh = nằng gánh), dấu ngã, dấu hỏi và dấu sắc có khi bị chuyển thành dấu nặng.

       Những đặc điểm trong tiếng nói của người Việt ở các địa phương miền Trung được nêu ở trên, vừa phản ánh sự khác nhau về phát âm và ngữ điệu, vừa là căn cứ để giải thích về lý do, cội nguồn của cách sử dụng quãng, cách luyến láy, nhấn nhá trong giai điệu dân ca của người Việt ở các địa phương ấy. Khảo sát, nghiên cứu về các làn điệu, thể loại dân ca miền Trung sẽ dễ dàng nhận ra những ảnh hưởng đó trong lời ca và trong giai điệu.

1.1.3.  Ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung

Trên cơ sở tổng kết các khái niệm của một số học giả, trong phạm vi luận án, ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung được hiểu là những ca khúc đương đại được sáng tác dựa trên việc khai thác và phát triển ca từ và âm nhạc của các làn điệu dân ca miền Trung cùng với những sáng tạo mới của nhạc sĩ.

1.1.4. Đặc điểm cơ bản của các làn điệu dân ca hay được sử dụng trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung

      Các làn điệu được sử dụng trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung khá nhiều, tuy nhiên vẫn phổ biến bởi 4 nhóm làn điệu là: Nhóm làn điệu dân ca Thanh Hóa; Nhóm làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh; Nhóm làn điệu dân ca Bình Trị Thiên; Nhóm làn điệu dân ca Nam Trung bộ. Mỗi nhóm làn điệu đều có những đặc điểm nhận diện khác nhau. Ví dụ, trong dân ca Thanh Hóa thường sử dụng điệu thức 5 âm (đôi khi có 6 âm nhưng là do chuyển hoặc ly điệu tạo nên). Đa số các làn điệu dân ca Thanh Hóa nằm trong các trò diễn (trò Ma, trò Xuân Phả…), tổ khúc múa hát (tổ khúc Múa đèn…) nên có cấu trúc hình thức đơn giản, tầm âm không rộng (trong khoảng một quãng 8), giai điệu mộc mạc, ngắn gọn, dễ nhớ, thường có luyến láy theo ngữ âm của địa phương. Còn dân ca Nghệ Tĩnh chủ yếu là không có nhạc đệm, do cộng đồng dân cư người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. 

 

1.1.5. Giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp

Giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp là hoạt động của giảng viên truyền đạt cho sinh viên hiểu nội dung ca từ (gồm cả ngữ điệu), nắm vững kỹ thuật thanh nhạc và cách trình diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại các cơ sở đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.  

Giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung có vai trò rất lớn trong đào tạo, nghệ thuật và cuộc sống. Nó giúp cho hiểu hơn về văn hóa và nghệ thuật của người miền Trung; góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản âm nhạc truyền thuống của người Việt ở miền Trung; khích lệ niềm tự hào, tình yêu quê hướng đất nước; góp phần đào tạo ra các ca sĩ có tài năng, trình diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung đạt hiệu quả tốt, tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người Việt và bạn bè quốc tế.

1.2. Thực trạng giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

1.2.1. Cơ cấu tổ chức, GV và SV thanh nhạc tại Học viện

Đội ngũ giảng dạy chuyên ngành của Khoa Thanh nhạc, Học viện ÂNQGVN hiện nay có 15 giảng viên trong biên chế, trong đó có 3 tiến sĩ và 10 thạc sĩ. Về danh hiệu nghề nghiệp, có 1 NSND, một số NSƯT. Bên cạnh đó, còn có nhiều giảng viên thỉnh giảng (giảng viên cộng tác), trong đó có những người giàu kinh nghiệm, có danh tiếng và đóng góp nhiều cho sự nghiệp đào tạo (NSND Quang Thọ, NSND Trần Hiếu, NSƯT Gia Hội…).

Trong số các giảng viên thuộc biên chế của khoa hiện nay, có 2 giảng viên là người miền Trung, đó là Lê Thị Thơ (Anh Thơ) và Lê Anh Dũng, đều là người xuất thân từ tỉnh Thanh Hóa. Hầu hết các giảng viên của Khoa đều được đào tạo chính qui, bài bản, họ vừa giảng dạy vừa thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ xã hội. 

Hiện nay, khoa Thanh nhạc của Học viện ÂNQGVN có đào tạo các trình độ: Trung cấp, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhiều ca sĩ thành danh ở nước ta như: Mỹ Linh, Hồng Vy, Trọng Tấn, Đăng Dương, Đinh Thành Lê… là kết quả đào tạo có chất lượng tốt từ ngôi trường này. Nhiều giáo viên thanh nhạc nòng cốt ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trên cả nước như: Đại học VHNT Quân đội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh…là những người đã từng học tập tại khoa Thanh nhạc, Học viện ÂNQGVN.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, khối học sinh Trung cấp Thanh nhạc của Học viện ở độ tuổi trung bình là 21,5 tuổi (có từ 17 – 26 tuổi), tuổi trung bình của sinh viên đại học thanh nhạc là 24,5 tuổi (có từ 21-28 tuổi). Với độ tuổi như vậy, các em là những thanh niên có sức khỏe, sống hồn nhiên, có nhiều khát vọng, yêu thích ca nhạc, phim ảnh, du lịch, thích giao tiếp với nhiều bạn bè, muốn khám phá những cái mới trong cuộc sống…Có những em có chất giọng bẩm sinh hay, có năng khiếu tốt, học tập chăm chỉ nên đã đạt giải thưởng ở các cuộc thi có uy tín (Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Thi hát thính phòng, nhạc kịch…) và đã trở thành ca sĩ có tiếng ngay từ khi chưa ra trường.

1.2.2. Thực trạng giảng dạy 

1) Thực trạng lựa chọn và sắp xếp các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung để đưa vào giảng dạy

Do chương trình, giáo trình chưa đề ra những định hướng chung, thống nhất cho việc lựa chọn và sắp xếp ca khúc VN để đưa vào giảng dạy, vì vậy, các GV thường căn cứ vào khả năng và đặc điểm chất giọng của SV để chọn bài và sắp xếp. Cách làm ấy đã bộc lộ những khía cạnh không chặt chẽ, chưa đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình đào tạo. Chẳng hạn như, có những trường hợp chọn bài chưa phù hợp với khả năng, đặc điểm chất giọng của người học, sắp xếp bài chưa đảm bảo đúng tiến độ giảng dạy…

2) Thực trạng giảng dạy về kỹ thuật thanh nhạc trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung

       Trên thực tế, khi giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, phần lớn các giảng viên vẫn chủ yếu chỉ hướng dẫn cho sinh viên về hơi thở, khẩu hình, cách phát âm nhả chữ, cách sử dụng kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây để đáp ứng yêu cầu ở các khía cạnh như: cách lấy hơi, cách đẩy hơi, cách mở khẩu hình rộng, cách hát luyến (legato), cách hát nảy âm (staccato), cách hát rõ từng âm, từng lời (non legato), cách rung ở những âm kéo dài…Khi giảng dạy vào từng ca khúc cụ thể, gặp những bài, những chỗ cần phải vận dụng cách hát VN, với lối hát giọng thật, hát khép miệng, cách nhả chữ, cách luyến láy, nhấn nhá có trong các làn điệu dân ca mà nhạc sĩ đã đưa vào tác phẩm thì có những GV đã lúng túng, không biết hướng dẫn cho SV như thế nào. 

         3) Kết quả tiếp thu của sinh viên

         Qua khảo sát kết quả học tập của SV và gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các GV và  SV đã trực tiếp dạy và học ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại khoa Thanh nhạc, Học viện ÂNQGVN cho thấy, mặc dù đã có được những hiệu quả nhất định nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, kết quả tiếp thu của sinh viên vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa được như mong muốn.  

 

1.2.3. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

         1) Những hạn chế, bất cập trong việc lựa chọn và sắp xếp ca khúc để đưa vào giảng dạy. Trên thực tế, việc lựa chọn và sắp xếp ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung để đưa vào giảng dạy vẫn đang ở tình trạng tự phát, chưa chặt chẽ, chưa thống nhất. Do vậy, đã bộc lộ những khía cạnh chưa phù hợp với tiến độ chương trình, khả năng của học sinh và những yêu cầu về chuyên môn.

2) Những hạn chế, bất cập trong giảng dạy kỹ thuật thanh nhạc.   Trong quá trình giảng dạy về kỹ thuật thanh nhạc, phần lớn các GV chỉ dựa trên thói quen, kinh nghiệm và suy nghĩ của cá nhân mình, còn có những trường hợp chưa giúp cho SV hiểu rõ và biết cách vận dụng phù hợp KTTN phương Tây và KTTN VN nên chưa đem lại những hiệu quả thiết thực, chất lượng tốt. 

3) Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại và những vấn đề đặt ra qua thực tế. (i) Nguyên nhân khách quan: Chưa đủ tài liệu cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập, còn không ít những GV chưa được đào tạo đầy đủ, bài bản về phương pháp sư phạm thanh nhạc, còn thiếu những nghiên cứu cần thiết có liên quan. (ii) Nguyên nhân chủ quan: Biên soạn chương trình, giáo trình còn thiếu định hướng và yêu cầu cụ thể đối với nhiệm vụ giảng dạy ca khúc VN; còn thiếu sự thống nhất từ việc chọn bài, sắp xếp bài, phương pháp giảng dạy đến cách đánh giá và cho điểm SV trong các kỳ thi; còn có những GV, SV thanh nhạc chưa thấy hết được ý nghĩa, tác dụng quan trọng của việc dạy và học các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, cùng với những kỹ thuật vận dụng từ truyền thống thanh nhạc dân tộc đối với việc đào tạo chuyên ngành thanh nhạc ở Học viện ÂNQGVN.

 

Chương 2

ĐẶC ĐIỂM THANH NHẠC CỦA CÁC CA KHÚC MANG ÂM HƯỞNG DÂN CA MIỀN TRUNG

2.1. Đặc điểm về nội dung, ca từ, ngữ điệu, cách phát âm nhả chữ và sử dụng giọng hát

2.1.1. Đặc điểm về nội dung, đề tài

Có 5 nhóm đề tài chủ đạo được khắc họa trong ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, đó là: (i) đề tài về quê hương, đất nước, (ii) đề tài về đấu tranh bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước, (iii) đề tài về tình yêu đôi lứa, (iv) đề tài về lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, (v) đề tài về Bác Hồ.

2.1.2. Đặc điểm về cấu trúc ca từ, ngữ điệu và cách phát âm nhả chữ

- Về cấu trúc ca từ: Có các dạng cấu trúc bằng văn xuôi, văn vần, các thể thơ 4 từ, 5 từ, thơ 6-8. Tỷ lệ ca khúc phổ thơ chiếm 26%. Trong ca từ có sử dụng các phương ngữ của các tỉnh miền Trung như: chi, mô, răng, rứa (tiếng Nghệ Tĩnh), vô, chừ (tiếng Quảng Bình), kỳ, xứ nẫu (tiếng Bình Định, Phú Yên).

- Về ngữ điệu và cách phát âm nhả chữ: Những người Việt (tộc người Kinh) ở miền Trung, khi nói, khi hát có một số yếu tố khác biệt so với tiếng Việt ở miền Bắc và miền Nam về phát âm và ngữ điệu, đồng thời còn có cả sự khác biệt giữa các địa phương ở đây. Người Thanh Hóa hay phát âm sai giữa s và x, các từ có dấu hỏi khi nói bị chuyển thành dấu ngã (biển Đông = biễn Đông), các từ có dấu ngã khi nói bị chuyển thành dấu hỏi (giặc Mỹ = giặc Mỷ). Những kiểu ngữ điệu và phát âm nói trên có thể thấy ở các ca khúc: Hát mừng các cụ dân quân (Đỗ Nhuận), Khúc tình ca Thanh Hóa (Nguyễn Trọng), Quê mẹ xứ Thanh (Lê Xuân Bắc). Người Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) khi nói từ mang dấu nặng có thể bị chuyển thành dấu huyền (thắng trận = thắng trần), dấu sắc có thể bị chuyển thành dấu hỏi hoặc dấu nặng (bốn mùa = bổn mùa, quyết tâm = quyệt tâm),  những từ mang dấu sắc khi hát có khi phải bắt đầu từ dấu huyền rồi mới luyến lên dấu sắc (quê Bác = quê Bà…ác, ca hát = ca hà…át…). Những kiểu ngữ điệu trên có thể thấy trong các ca khúc: Đưa anh đi hái măng rừng (Hoàng Tạo), Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho). Với người vùng Bình Trị Thiên (Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế), từ mang dấu ngã khi nói có khi bị chuyển thành dấu nặng hoặc dấu huyền, dấu hỏi (quãng đường = quạng đường, ngã ba = ngảba…), dấu hỏi có khi bị chuyển thành dấu nặng (thăm hỏi = thăm họi), chữ i đứng giữa từ thường bị phát âm thành dạng giữa ư và i (tình cảm = “từìn” cạm) Những kiểu ngữ điệu và cách phát âm nhả chữ ấy có thể gặp trong các ca khúc: Nghe tiếng pháo Khe Sanh (Đức Nhuận), Huế tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai). Đối với người vùng Quảng Nam - Đà Nẵng -  Quảng Ngãi: Những từ có chữ o ở giữa thường phát âm thành từ có 2 chữ o (còn = coòng), từ có phụ âm t ở cuối có thể bị chuyển thành chữ c ở cuối (câu hát = câu hác), từ có chữ a ở đầu có thể bị phát âm thành chữ e, thậm chí kèm theo đổi cả phụ âm ở cuối từ (anh đi xa = eng đi xe), chữ a hoặc ă, â nằm ở giữa từ cũng có thể bị biến thành chữ e, chữ ô, hoặc u (mang đi = meng đi, xăng dầu = xeng , xe đạp = xe độp.v.v. Những ngữ điệu và cách phát âm nhả chữ ấy có thể gặp trong trong các ca khúc: Quảng Nam yêu thương (Phan Huỳnh Điểu), Ba lý duyên tình (Trần Xuân Tiến).v.v.

 

2.1.3. Đặc điểm về sử dụng giọng hát

Thông qua kết quả khảo sát, phân tích 112 ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung chúng tôi thấy, các nhạc sĩ đã khai thác đủ các loại giọng nam và giọng nữ, với nhiều hình thức trình diễn khác nhau, từ đơn ca, song ca nam nữ, đến hợp ca, hợp xướng. Tuy nhiên, do đặc điểm về nội dung, tính chất chủ yếu là ca khúc trữ tình, do vậy những loại giọng hay được sử dụng là những loại giọng mang âm sắc trữ tình, mềm mại, hoặc trong sáng, thiết tha. Trong đó có các loại giọng như: nữ cao trữ tình (lyrico soprano), nữ trung (mezzo soprano, alto), nam cao trữ tình (tenore lyrico), nam trung (baryton), nam trung trầm (baryton bass), nam trầm (bass). Trong số 50 ca khúc đề xuất đưa vào giáo trình giảng dạy tại học viện ÂNQGVN, tỷ lệ chiếm nhiều nhất nằm ở giọng nữ cao trữ tình (khoảng 38%) và giọng nữ trung (20%), nam cao trữ trình(14%), nam trung (16%), nam trầm (6%), số còn lại là những bài có thể dùng cho 2 loại giọng khác nhau: nam cao hoặc nữ cao, nam trung hoặc nữ trung.v.v.

2.2. Đặc điểm về cách hát và các kỹ thuật thanh nhạc

Trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung đều vận dụng 3 cách hát và kỹ thuật thanh nhạc gồm: kỹ thuật thanh nhạc phương Tây; cách hát vận dụng kỹ thuật thanh nhạc Việt Nam và sử dụng cách hát vận dụng kỹ thuật thanh nhạc kết hợp của cả phương Tây và Việt Nam.

- Trong cách hát phương Tây thường vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc: legato, cantilena, non legato, trillo.

- Trong cách hát Việt Nam thường vận các kỹ thuật thanh nhạc tiếp thu từ truyền thống âm nhạc dân tộc như: luyến hoặc láy, 2 âm, 3 âm theo quãng 2, quãng 3, quãng 4, quãng 5 trên 1 từ, hoặc có những âm hình luyến láy theo đặc trưng của làn điệu dân ca; sử dụng lối hát giọng thật bằng hơi thở ngực và bụng; chủ yếu dùng khẩu hình mở nhỏ, mở vừa và hát khép miệng.

- Trong cách hát vận dụng cả kỹ thuật thanh nhạc phương Tây và Việt Nam, tìm cách Việt hóa KT thanh nhạc phương Tây, không mở khẩu hình quá rộng để phù hợp với tiếng Việt, khắc phục những hạn chế trong cách hát VN, kết hợp hài hòa giữa cách hát phương Tây và cách hát VN, dùng hơi thở ngực dưới và bụng, đẩy hơi đều để rõ từ, rõ nghĩa nhưng âm thanh vẫn vang, đầy đặn.

2.3. Đặc điểm về những yêu cầu thể hiên nội dung, sắc thái, cảm xúc

Ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung thường khai thác những làn điệu dân ca tiêu biểu của các địa phương ở miền Trung, do vậy, yêu cầu khi hát, ngoài việc thể hiện cho sát hình tượng của tác phẩm, còn phải thể hiện cho đúng những sắc thái, cảm xúc do tác giả tạo ra và do chất liệu dân ca được đưa vào ca khúc chi phối. Chẳng hạn như, khi hát các ca khúc mang âm hưởng hò sông Mã (dân ca Thanh Hóa) thì phải thể hiện được tính chất mênh mông, dàn trải của hò kéo thuyền, tính chất khỏe mạnh, tự tin của hò xuôi nhịp đôi một…khi hát các ca khúc mang âm hưởng ví dặm Nghệ Tĩnh thì phải thể hiện được sắc thái trữ tình, đằm thắm của ví phường vải, sắc thái du dương, khuyên nhủ của ví đò đưa nước ngược, sắc thái mộc mạc, động viên hoặc hài hước, châm biếm của hát dặm… khi hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca Bình Trị Thiên thì phải thể hiện được tính chất khẩn trương, dồn dập của hò hụi (dân ca Quảng Bình), sắc thái sâu lắng, hoài cảm của hò mái nhì (dân ca Trị Thiên Huế), tính chất duyên dáng, yêu thương của lý tình tang (dân ca Trị Thiên Huế)…khi hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Trung bộ thì phải thể hiện được sắc thái trữ tình, đằm thắm của lý tang tít, tính chất nồng nàn, tha thiết của lý thương nhau, tính chất vui tươi, phấn khởi của hò Ba lý

2.4. Kinh nghiệm biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung của các ca sĩ, nghệ sĩ thành danh

         Qua khảo sát thực tế biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung của các ca sĩ, nghệ sĩ thành danh như: Tân Nhân, Thương Huyền, Thu Hiền, Quí Dương, Quang Thọ, Trung Đức, Kiều Hưng, Hồng Năm, Thanh Hoa, Minh Huyền, Phương Thảo, Thái Bảo, Trọng Tấn…chúng tôi đúc kết được khá nhiều những kinh nghiệm đã tạo ra thành công của họcủa họ. Trong đó, tập trung ở những vấn đề chính như: Hiểu rõ nội dung, hình tượng của bài hát; có đủ kiến thức cần thiết về ngữ điệu địa phương và chất liệu dân ca có trong bài hát; nắm vững những kỹ thuật thanh nhạc phương Tây và kỹ thuật thanh nhạc theo truyền thống dân tộc cần sử dụng cho bài hát, biết cách kết hợp các kỹ thuật thanh nhạc với nhau một cách nhuần huyễn; thực hiện phát âm nhả chữ cho đúng để không ngọng, không sai dấu, không lạc nghĩa; tuân thủ các chỉ dẫn của tác giả; thực hiện cho đúng các kiểu luyến láy có trong bài; tìm mọi cách nhập tâm và thể hiện nội dung, sắc thái, cảm xúc sao cho phù hợp nhất với đặc điểm của bài hát, với không gian trình diễn và đối tượng khán giả. 

 

 

Chương 3

GIẢI PHÁP GIẢNG DẠY VÀ THỰC NGHIỆM

3.1. Giải pháp giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

3.1.1. Việc lựa chọn và sắp xếp ca khúc để đưa vào giảng dạy

  Đề tài đã đưa ra những tiêu chí lựa chọn và cách thức lựa chọn, tiêu chí sắp xếp và cách thức sắp xếp cụ thể, phù hợp với yêu cầu của chương trình, giáo trình để đưa các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung vào giảng dạy. 

3.1.2. Giải pháp cho việc hướng dẫn, rèn luyện kỹ thuật nền tảng về hơi thở, khẩu hình và cách phát âm nhả chữ. 

1)Về hơi thở: Phải đảm bảo việc hướng dẫn, rèn luyện cho sinh viên nắm được những kỹ thuật cơ bản về tạo dựng và sử dụng hơi thở trong ca hát, với bốn kiểu thở chính và các yêu cầu của nó. Trong đó có: Kiểu thở ngực, kiểu thở bụng, kiểu thở ngực kết hợp với bụng, kiểu thở ngực dưới và bụng.

         2) Về khẩu hình: Cần phải làm cho SV nắm được nguyên lý cơ bản và cách vận dụng của cả các kiểu khẩu hình theo kỹ thuật thanh nhạc phương Tây (phương pháp Bel canto) và các kiểu khẩu hình Việt Nam vận dụng từ kinh nghiệm trong truyền thống âm nhạc dân tộc.

3) Về phát âm nhả chữ: Cần phải giảng giải cho SV nắm vững những nguyên tắc cơ bản chung của kỹ thuật phát âm nhả chữ khi hát tiếng Việt với sự vận dụng kinh nghiệm thanh nhạc từ âm nhạc truyền thống dân tộc, hướng dẫn cho các em biết cách vận dụng các kiểu khẩu hình của phương Tây vào hát tiếng Việt sao cho phù hợp.

3.1.3. Giải pháp giảng dạy các kỹ thuật thanh nhạc cụ thể để thể hiện tác phẩm

1) Giảng dạy cách vận dụng các kỹ thuật trong cách hát phương Tây. 

Giải pháp mà luận án đề xuất cho việc giảng dạy cách vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc trong hát phương Tây (theo phong cách bel canto) đối với các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung không phải là đưa ra các bước mới hoàn toàn so với qui trình đã trở thành qui định nói trên, mà vẫn dựa trên cơ sở các bước thực hiện theo trình tự như vậy, tuy nhiên, sẽ có một số đổi mới, bổ sung cần thiết để đáp ứng một cách sát thực, hiệu quả hơn cho yêu cầu giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cụ thể:

Giải pháp cho việc luyện thanh và thực hiện các bài tập luyện tập kỹ thuật thanh nhạc cơ bản của cách hát phương Tây: Vẫn thực hiện theo nội dung và hình thức của các bài tập trước đây đã có; chỉ sử dụng 30 - 50 % thời gian dành cho việc này so với trước đây để luyện tập các kỹ thuật thanh nhạc phương Tây; chỉ lựa chọn, thực hiện những bài tập cần thiết, có liên quan đến những kỹ thuật thanh nhạc phương Tây có trong ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung.

Giải pháp cho việc giảng dạy cách vận dụng các kỹ thuật của cách hát phương Tây có trong ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Chỉ giảng dạy những kỹ thuật của cách hát phương Tây được sử dụng trong ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, trong đó có: Hát mềm mại, liền tiếng (legato, cantilena), hát rõ từng âm, từng từ (non legato), hát rung, láy (trillo). Tuy nhiên, phải chỉ dẫn cho SV biết cách Việt hóa các kỹ thuật đó cho phù hợp.

2) Giảng dạy cách vận dụng các kỹ thuật trong cách hát Việt Nam.

Đề tài đã đưa ra 9 mẫu luyện thanh theo điệu thức 5 âm, với 2 điệu thức tiêu biểu trong âm nhạc VN là điệu Bắc (tương đương với điệu Chủy) và điệu Nam (tương đương với điệu Vũ). Mỗi bài tập trong đó đều có yêu cầu và hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện. 

Luận án đã giảng giải và hướng dẫn cho SV biết cách vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc trong cách hát VN dựa trên cơ sở những lối hát có liên quan đến các chất liệu dân ca tiêu biểu của các địa phương, các vùng đã được sử dụng trong ca khúc. Trong đó có các cách hát để sử dụng cho các dạng ca khúc như sau: Cách hát VN sử dụng cho ca khúc mang âm hưởng dân ca Thanh Hóa.; Cách hát VN sử dụng cho ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh; Cách hát VN sử dụng cho ca khúc mang âm hưởng dân ca Bình Trị Thiên; Cách hát VN sử dụng cho ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Trung bộ.

         3) Giảng dạy cách vận dụng kỹ thuật thanh nhạc với sự liên kết, phối hợp giữa các kỹ thuật trong cách hát phương Tây và cách hát Việt Nam.

Khi giảng dạy cách vận dụng kỹ thuật thanh nhạc ở dạng kết hợp này, giảng viên cần giải thích cho sinh viên hiểu và hướng dẫn cho các em những phương pháp vận dụng cách hát phương Tây không cứng nhắc, có sự Việt hóa để phù hợp với yêu cầu về khẩu hình và phát âm nhả chữ đối với tiếng Việt, đồng thời sử dụng các lối hát theo truyền thống âm nhạc dân tộc, hát bằng giọng thật, đảm bảo luyến láy đúng cách với kỹ thuật hát khép cho rõ từ, rõ nghĩa nhưng âm thanh vẫn phải có độ vang, không bị bẹt, không bị nghẹt hoặc xỉn. 

 

3.2. Thực nghiệm sư phạm

3.2.1. Mục đích thực nghiệm

Việc tổ chức thực nghiệm sư phạm là nhằm mục đích kiểm nghiệm tính khả thi và hiệu quả của các giải pháp giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mà đề tài đã đề xuất.

 3.2.2. Nội dung thực nghiệm

Tiến hành thực hiện thể nghiệm các giải pháp về: cách lựa chọn và sắp xếp ca khúc để đưa vào giảng dạy, cách giảng dạy các kỹ thuật có trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, trong đó bao gồm việc giảng dạy về cách vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc phương Tây, kỹ thuật thanh nhạc VN và cách kết nối, phối hợp giữa hai loại kỹ thuật thanh nhạc với nhau. 

 3.2.3. Địa điểm, thời gian và đối tượng tham gia thực nghiệm

Hoạt động thực nghiệm được tổ chức tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thời gian tổ chức thực nghiệm: Từ ngày 01/10 đến ngày 31/10/2020. Đối tượng tham gia thực nghiệm: 3 GV khoa Thanh nhạc cùng NCS, 5 SV đại học năm thứ nhất và năm thứ hai chuyên ngành Thanh nhạc tại Học viện. 

  3.2.4. Quá trình tiến hành thực nghiệm:

- Công tác chuẩn bị: Xây dựng kế hoạch giảng dạy thực nghiệm, lập lịch lên lớp, soạn đề cương bài giảng, chuẩn bị tài liệu và các vật dụng, phương tiện phục vụ giảng dạy; xin phép Ban chủ nhiệm khoa và nhà trường; Gặp gỡ, trao đổi với các GV và SV tham gia thực nghiệm về việc triển khai kế hoạch thực nghiệm.

- Quá trình triển khai thực nghiệm: NCS đã tiến hành dạy thực nghiệm trong 9 buổi, với 18 tiết lên lớp vào thứ Hai và thứ Năm hàng tuần trong tháng 10 năm 2020; các GV khoa Thanh nhạc mỗi người đã dạy 2 tiết trong 2 buổi khác nhau. Tổ chức cho các GV dự giờ trong 2 buổi lên lớp của NCS vào các ngày 8/10/2020 và 19/10/2020 tại phòng 13D nhà A1. NCS cũng đi dự giờ các buổi lên lớp thực nghiệm của các GV tham gia dạy thực nghiệm. Tổ chức 1 buổi tọa đàm, trao đổi giữa NCS với các GV và SV tham gia thực nghiệm, cùng với đại diện Ban Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc và đại diện Phòng Đào tạo vào ngày 31/10/2020 tại phòng 13D nhà A1. Trong thời gian giảng dạy thực nghiệm, NCS và các GV đã áp dụng cách chọn bài, sắp xếp bài để đưa vào giảng dạy và cách giảng dạy kỹ thuật thanh nhạc trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung mà đề tài đã đề xuất.

 3.2.5. Kết quả thực nghiệm

Được phản ánh qua thái độ tiếp nhận của GV và SV, chất lượng kiến thức thu được của SV sau thực nghiệm và những ý kiến đánh giá, góp ý của GV và SV thể hiện qua nội dung trả lời phiếu hỏi cũng như những ý kiến phát biểu trực tiếp trong buổi tọa đàm, trao đổi, cũng như trong những lần phỏng vấn các cá nhân có liên quan. Kết quả thu được sau khi hoàn thành kế hoạch tổ chức thực nghiệm sư phạm là rất khả quan cả về tính khả thi, sự phù hợp và hiệu quả, chất lượng của giải pháp mà đề tài đã đề xuất. 

Có 100 % GV tham gia thực nghiệm cho rằng, các giải pháp giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện ÂN QGVN mà đề tài đề xuất ra là phù hợp, có tính khả thi và có hiệu quả tích cực rõ rệt so với các cách giảng dạy trước đây; 100 % GV đồng thuận với danh mục 50 ca khúc đề nghị đưa vào giáo trình giảng dạy phần ca khúc VN tại Học viện; 75% GV nhận thấy những đề xuất, gợi ý về cách lựa chọn, sắp xếp ca khúc và giải pháp giảng dạy mà đề tài đề xuất đã góp phần giúp họ thuận lợi và chủ động hơn khi giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. 100 % ý kiến SV cho rằng, giải pháp giảng dạy trong thực nghiệm sư phạm đã giúp các em thấy dễ hiểu, dễ thực hành, hiểu ra nhiều vấn đề khi học tập về ca khúc mang âm hưởng dân ca và cảm thấy ưa thích học ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung; 83 % các em SV mong muốn được học các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung theo giải pháp của đề tài; 100 % SV nhận thấy giải pháp giảng dạy mới mang lại hiệu quả cao hơn rõ rệt so với các phương pháp trước đây.

3.3. Một số khuyến nghị với các cơ quan quản lý và khuyến nghị vận dụng cho các cơ sở đào tạo thanh nhạc ngoài Học viện

3.3.1. Khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý cấp trên

Bộ Văn hóa TT và DL sớm điều chỉnh, bổ sung để có những qui định cụ thể, rõ ràng và phù hợp hơn với điều kiện cũng như yêu cầu của thực tế hiện nay trong qui chế đào tạo, khung đào tạo chuyên ngành thanh nhạc bậc đại học để Học viện cũng như các cơ sở đào tạo thanh nhạc khác có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan nên quan tâm hơn, chú trọng hơn trong việc lựa chọn các ca khúc mang âm hưởng dân ca, trong đó có âm hưởng dân ca miền Trung để thể hiện trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các cuộc thi giọng hát hay, các chương trình giao lưu nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế. Từ đó làm thay đổi thị hiếu âm nhạc, tạo động lực cho các ca sĩ biểu diễn, tạo động lực cho các cơ sở đào tạo thanh nhạc trong đó có Học viện.

3.3.2. Khuyến nghị vận dụng đối với các cơ sở đào tạo thanh nhạc ngoài Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

3.3.2.1. Một số khuyến nghị về lựa chọn và sắp sếp ca khúc

Để lựa chọn và sắp sếp có hiệu quả các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung vào giảng dạy, các cơ sở đào tạo thanh nhạc cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Xác định rõ định hướng, thế mạnh và đặc điểm nổi bật của mình trong việc giảng dạy thanh nhạc.

- Đánh giá được khối lượng kiến thức, dung lượng các loại hình âm nhạc, loại hình ca khúc trong chương trình đào tạo của mình. Từ đó, xác định dung lượng các bài hát Việt, trong đó có bài hát mang âm hưởng dân ca miền Trung được sử dụng trong đào tạo ở từng giai đoạn học tập của sinh viên (năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba trở lên).

- Số lượng, tên bài hát cụ thể trong danh sách ca khúc được sắp xếp cần được rà soát, đánh giá để điều chỉnh lại cho phù hợp với từng giai đoạn. Bởi vì, sau mỗi giai đoạn lại có những sáng tác mới mang âm hưởng dân ca miền Trung hay hơn, bối cảnh học tập và đào tạo cũng thay đổi. 

- Trong quá trình lựa chọn và sắp sếp các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung đưa vào giảng dạy cần có sự tham vấn của các giảng viên, các nhà nghiên cứu bên ngoài cơ sở đào tạo, nhất là từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - đơn vị đầu ngành và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy thanh nhạc.  

3.2.2.2. Một số khuyến nghị về kỹ thuật khi giảng dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung

1) Về ngữ điệu và ca từ: Để giảng dạy tốt các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, các cơ sở đào tạo nên yêu cầu các giảng viên chú ý hướng dẫn cho sinh viên hiểu rõ những đặc điểm về ca từ, ngữ điệu vùng miền Trung.

2) Về kỹ thuật thanh nhạc: Các cơ sở đào tạo nên yêu cầu các giảng viên lưu ý đến kỹ thuật thanh nhạc, nhất là sự kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc phương Tây với kỹ thuật thanh nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó cần chú trọng đến một số vấn đề sau: 

- Kỹ thuật lấy hơi: Chú trọng về kỹ thuật lấy hơn theo 4 phương pháp là kiểu thở ngực, kiểu thở bụng, kiểu thở ngực kết hợp bụng và kiểu thở ngực dưới và bụng.

- Vị trí âm thanh: Phải nắm rõ kỹ thuật thanh nhạc một cách khoa học; cần chú trọng đến cách đặt vị trí âm thanh ở khoảng vang trán, đúng cao độ, không tỳ cổ; nắm chắc kỹ thuật luyến lên xuống của các quãng giọng; kỹ thuật rung, nhấn; kỹ thật ngân dài, phóng to, thu nhỏ âm thanh; kỹ thuật chuyển giọng thật kết hợp với giọng giả thanh. Khi kết hợp hài hòa các kỹ thuật này sẽ cho âm thanh đẹp, sáng, bay bổng, mềm mại mà không bị nông, phô.

- Kỹ thuật nhả chữ: Cần lưu ý về ngữ điệu của vùng miền Trung, nhất là các dấu nặng, dấu hỏi, dấu ngã; đồng thời phải hát tròn vành rõ chữ, kết hợp với luyến, láy để hát những nốt hoa mỹ làm rõ ngữ điệu địa phương mà có không ít trường hợp nhạc sĩ không thể hiện trên bản nhạc. 

3) Về kỹ thuật biểu diễn: Các cơ sở đào tạo cần lưu ý giảng viên hướng dẫn, gợi ý cho sinh viên cách biểu hiện cảm xúc và hình thể sao cho có hiệu quả.

- Về trang phục: Cố gắng chọn trang phục phù hợp với văn hóa truyền thống của vùng miền có làn điệu dân ca sử dụng trong bài hát.

- Về hình thể (điệu bộ): Người hát phải nắm chắc cách thể hiện về điệu bộ chân, tay, khuôn mặt, ánh mắt khi hát các ca khúc có âm hưởng dân ca; từ đó vận dụng vào trình diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung cho phù hợp, đồng thời cũng không nên lạm dụng một cách thái quá.

 

 

 

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO

1. Kết luận    

Trên thực tế những năm qua, đã có nhiều giảng viên Thanh nhạc của Học viện ÂNQGVN sử dụng ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung để đưa vào giảng dạy và đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều sinh viên tiến bộ nhanh và có một số em đã đạt được những giải thưởng có giá trị tại các cuộc thi giọng hát hay trên sân khấu trên làn sóng Phát thanh-Truyền hình. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn, định hướng cụ thể trong chương trình, giáo trình, chưa có những nghiên cứu thấu đáo để chỉ ra những phương pháp giảng dạy khoa học, nên kết quả chưa đạt được như mong muốn và vẫn có những hạn chế, bất cập.  Dựa trên cơ sở kết quả khảo sát, nghiên cứu về đặc điểm thanh nhạc của các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung, thực trạng giảng dạy các ca khúc này tại Học viện ÂN QGVN và những cơ sở lý luận có liên quan, đề tài đã đề xuất ra được giải pháp giảng dạy phù hợp, khả thi. 

Giải pháp của đề tài đã đưa ra phương án giải quyết cho các khâu: (i) Cách hướng dẫn, luyện tập hơi thở, khẩu hình, phát âm nhả chữ, (ii) cách lựa chọn và sắp xếp ca khúc để đưa vào giảng dạy, (iii) cách giảng dạy các kỹ thuật thanh nhạc có trong ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung. Nếu những giải pháp của đề tài được đưa vào vận dụng rộng rãi và đúng cách, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao một bước chất lượng giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung tại Học viện ÂN QGVN. 

 

2. Một số hạn chế của luận án

Nội dung phân tích, đánh giá các đặc điểm thanh nhạc của ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung chỉ mới tập trung được vào các ca khúc mang âm hưởng của 4 nhóm làn điệu dân ca tiêu biểu, phổ biến ở miền Trung, đó là nhóm làn điệu dân ca Thanh Hóa, nhóm làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, nhóm làn điệu dân ca Bình Trị Thiên và nhóm làn điệu dân ca Nam Trung bộ. Trong khi, miền Trung có rất nhiều làn điệu dân ca, nên việc chưa phân tích được đầy đủ ca khúc mang âm hưởng của các làn điệu dân ca khác ở miền Trung là một hạn chế của luận án.

Việc vận dụng kết quả phân tích và hệ thống hóa đặc điểm thanh nhạc của các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung để đề xuất giải pháp hoàn thiện hoạt động giảng dạy các ca khúc này mới chỉ được đưa vào cho một cơ sở đào tạo đó là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong khi, các cơ sở đào tạo thanh nhạc trong cả nước là khá nhiều, nên việc không nghiên cứu để đề xuất phạm vi vận dụng rộng hơn là một hạn chế tiếp theo của luận án.

3. Kiến nghị hướng nghiên cứu tiếp theo

Từ những nội dung đạt được và hạn chế của luận án, kiến nghị các nhà nghiên cứu khoa học khi nghiên cứu về đặc điểm ca khúc và giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung nên: (i) nghiên cứu thêm các ca khúc được sáng tác dựa trên các làn điệu dân ca khác ngoài 4 nhóm làn điệu dân ca mà luận án đã nghiên cứu để cho kết quả nghiên cứu được toàn diện hơn. (ii) khi nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện giải pháp giảng dạy nên nghiên cứu thêm một số cơ sở đào tạo thanh nhạc khác ngoài Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để làm cơ sở đề xuất chung cho tất cả các cơ sở đào tạo thanh nhạc trong cả nước.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn