|
|
Tin tức hoạt động |
Thứ bảy, 21/12/2024 |
|
|
|
|
Dự án dàn dựng và biểu diễn nhạc kịch "Cây sáo thần" của W.A. Mozart
|
Chủ đầu tư: Việt Nam Thời gian: 11/2005 đến tháng 9/2006
Nội dung dự án:
I. GIỚI THIỆU
Được sự cho phép của Bộ Văn hoá Thông tin, Nhạc viện Hà Nội đã tiến hành hợp tác với Đại sứ quán Cộng hoà Áo tại Hà Nội từ năm 2002 đến nay. Hàng năm phía Áo đã cử chỉ huy Wolfang Groehs sang Hà Nội 2-3 lần để phối hợp với Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội - Nhạc viện Hà Nội dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình giao hưởng, gala opera concert đạt chất lượng cao.
Trong quá trình hợp tác với Nhạc viện Hà Nội, nhận thấy tiềm năng cũng như năng lực của các ca sĩ, nhạc sĩ của Nhạc viện Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện việc dàn dựng và công diễn các vở nhạc kịch kinh điển nổi tiếng trên thế giới, ông Groehs đã gặp gỡ TS. Martin Allgaeuer lúc đó là Đại Sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam (nay đã hết nhiệm kỳ về nước) đề xuất ý định phối hợp với Nhạc viện Hà Nội dàn dựng vở nhạc kịch " Cây sáo thần" của nhạc sỹ thiên tài người áo W. A. Mozart. Ông W. Groehs đã cùng PGS. NSND Nguyễn Trung Kiên khảo sát thực lực của các nghệ sỹ Việt Nam, đã có ý kiến kết luận là đội ngũ các nghệ sỹ Việt Nam có đủ khả năng thực hiện vở nhạc kịch này. Tuy nhiên đây là một dự án lớn cần một nguồn kinh phí không nhỏ và một kế hoạch thực hiện khoa học. Kinh phí đào tạo của Nhạc viện Hà Nội không có điều kiện để thực hiện bởi vậy ý định tốt đẹp này hơn 2 năm qua chưa được tiến hành.
Tháng 9 năm 2005 trong chuyến thăm Việt Nam, Bà Elisa Beth Gehrer Bộ trưởng giáo dục - văn hoá- công nghệ nước Cộng hoà Áo đã bàn bạc cùng ông Phạm Gia Khiêm, Phó thủ tướng chính phủ Việt Nam về khả năng công diễn vở nhạc kịch " Cây sáo thần" của Mozart nhân kỉ niệm 250 ngày sinh của nhạc sĩ thiên tài này. Cả hai bên đã bầy tỏ sự ủng hộ đối với dự án.
II. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN
1. Phối hợp với các nghệ sĩ Cộng Hoà Áo và các nước trong liên minh châu Âu dàn dựng và công diễn vở Nhạc kịch Cây Sáo Thần. Đây sẽ là một sự kiện lớn đánh dấu chất lượng đào tạo, biểu diễn của Nhạc viện Hà nội. 2. Năm 2006, khắp nơi trên toàn cầu tiến hành kỉ niệm 250 năm ngày sinh của Nhạc sĩ thiên tài W.A.Mozart. Công diễn vở Nhạc kịch sẽ là một sự kiện góp phần phát triển sự hợp tác đa dạng giữa Việt Nam với Cộng Hoà Áo và Liên minh châu Âu. 3. Việc công diễn vở Nhạc kịch sẽ là một sự kiện lớn thiết thực kỉ niệm 50 năm thành lập Nhạc viện Hà Nội.
III. NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG DỰ ÁN
1. Nhạc viện Hà Nội là trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Hầu hết các giảng viên - nghệ sĩ đã tốt nghiệp bậc đại học và trên đại học tại Nhạc viện Hà Nội, Liên Xô cũ, các nước Đông Âu, Trung Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Ở đây tập trung được nhiều giáo sư đầu ngành ( thanh nhạc, piano, đàn dây, kèn…) cũng như nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. 2. Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội - Nhạc viện Hà Nội bao gồm các giáo sư, giảng viên, nghệ sĩ có tên tuổi và một số sinh viên xuất sắc của Nhạc viện Hà Nội. Hàng năm dàn nhạc có nhiều chương trình biểu diễn do các chỉ huy khách mời nước ngoài cũng như trong nước dàn dựng. Dàn nhạc đã giới thiệu đến công chúng nhiều bản giao hưởng kinh điển của các nhạc sĩ thế giới như Beethoven,Schuman, Tchaikovssky, Brahms, Dvorak…. 3. Đội ngũ các ca sĩ của Nhạc viện Hà Nội được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, yêu nghề và tha thiết được biểu diễn nhạc kịch. Dàn hợp xướng của Nhạc viện Hà Nội có những hoạt động thường xuyên và đã từng biểu diễn thành công trong một số chương trình đặc biệt là Bản giao hưởng số 9 của nhạc sĩ L.V. Beethoven. 4. Nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phía Cộng Hoà Áo cũng như Liên minh châu Âu (EU). Phía bạn sẽ hỗ trợ ta về chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, thiết kế trang phục, thiết kế sân khấu. Viện Gớt tại Hà Nội đảm nhiệm việc huấn luyện diễn viên phát âm tiếng Đức và tuyên truyền quảng cáo. 5. Nhạc viện Hà Nội có kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế, đủ năng lực để thực hiện những dự án với nước ngoài
IV. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN
A/ Nhân sự về phía Việt Nam 1. Trưởng ban điều hành dự án về phía Việt Nam: GS.TS. NGND Trần Thu Hà,Giám đốc Nhạc viện Hà Nội 2. Ban chỉ đạo nghệ thuật: + PGS. NSND Nguyễn Trung Kiên: Chuyên gia cao cấp - Bộ Văn hoá Thông tin, Đạo diễn chương trình phía Việt Nam. Phụ trách nghệ thuật, huấn luyện thanh nhạc + GS.TS. NSƯT Ngô Văn Thành: Phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội - Nhạc viện Hà nội. Phó chỉ đạo nghệ thuật chương trình + Hoạ sĩ, Phụ trách phục trang và trang trí sân khấu: Một cán bộ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam 3. Diễn viên tham gia về phía Việt Nam - Dàn nhạc giao hưởng: 80 người - Trợ lý chỉ huy Dàn Nhạc: 01 người (Ông Nguyễn Thiếu Hoa) - Hợp xướng: 40 người - Trợ lý chỉ huy Hợp Xướng : 01 người ( Ông Phạm Ngọc Khôi) - Nghệ sĩ solist: 22 người (12 chính + 10 phụ) - Trợ lý chỉ huy 01 người tập cho solist và tốp ca - Huấn luyện Solist: 03 người (1 người huấn luyện cho solist chính, 2 người huấn luyện cho solist phụ) - Diễn viên múa: 20 người (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN) - Huấn luyện DV múa: 01 người (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN) - Trợ lý đạo diễn người Việt: 01 người (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN) - Đệm piano: 03 người - Giáo viên tiếng Đức Người Việt 01 người - Diễn viên kịch hướng dẫn thoại 01 người (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN) - Ban chỉ đạo nghệ thuật : 5 người - Ban điều hành dự án 5 người - Phục vụ biểu diễn: 20 người
B/ Thời gian thực hiện: Từ tháng 11/ 2005 đến tháng 9/2006. Các nghệ sĩ phải tập thường xuyên hàng ngày từ 16h30 đến 19h00 (6 buổi/ tuần). Chương trình tập luyện với chỉ huy chia thành nhiều đợt như sau: 1. Đợt I: Từ tháng 11/2005 đến tháng 1/2006 Tập luyện , tổ chức tuyển chọn và phân vai màn 1, chọn solist 2. Đợt II: Tháng 3/2006: Hàng ngày toàn bộ các nghệ sĩ tham gia trong chương trình làm việc với chỉ huy, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật để tập luyện. Cuối đợt làm việc phải làm một đĩa ghi hình, ghi âm để định hình cho các nghệ sĩ tập tiếp. 3. Đợt III : Tháng 5/2006 Tiếp tục tập luyện với các nghệ sĩ, 4. Đợt IV: Tháng 8, tháng 9 / 2006: Tập luyện liên tục hàng ngày tại Nhạc viện Hà Nội Các ngày 27/8, 28/8, 29/8, 30/8, 31/8, 4/9 và 5/9 tập tại Nhà hát lớn Từ ngày 11/9 đến ngày 15/9/2006: Tổng duyệt chương trình tại Nhà hát lớn Từ ngày 15/9 đến ngày 20/9/2006:Công diễn vở Nhạc kịch Cây Sáo thần tại Nhà hát lớn.
V. KINH PHÍ
Phía Cộng hoà Áo chịu trách nhiệm các khoản chi phí sau:
1. Toàn bộ chi phí cho các nghệ sĩ Cộng hoà Áo và nước ngoài (nếu có) tham gia vào dự án. Dự tính : chỉ huy dàn nhạc, tổng đạo diễn, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật (phục trang, thiết kế sân khấu), đạo diễn âm thanh ánh sáng.
Phía Việt Nam chịu trách nhiệm:
1. Chi trả kinh phí tập luyện, biểu diễn, dàn dựng chương trình cho các nghệ sĩ Việt nam tham gia trong dự án 2. Chi trả địa điểm tập luyện, biểu diễn ( Nhà hát lớn Hà Nội)
VI. KẾT LUẬN
Dự án Công diễn vở nhạc kịch Cây sáo thần Nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh của nhạc sĩ thiên tài người áo W.A. Mozart (1756- 2006) được triển khai dựa trên khả năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biểu diễn của Nhạc viện Hà Nội. Đây sẽ là một sự kiện văn hoá nghệ thuật có ý nghĩa to lớn góp phần phát triển sự hợp tác đa dạng giữa Việt Nam với Cộng Hoà Áo và Liên minh châu Âu( EU). Tổ chức dàn dựng và biểu diễn thành công vở Nhạc kịch cũng sẽ là một hoạt động thiết thực chào mừng kỉ niệm 50 năm thành lập Nhạc viện Hà Nội.
Thông qua thực hiện dự án, Nhạc viện Hà Nội sẽ có cơ hội tốt để tiếp thu, học hỏi các nước có truyền thống trong lĩnh vực âm nhạc phương Tây, đưa được nền âm nhạc kinh điển đến giới thiệu với công chúng yêu âm nhạc tại Việt nam. Các nghệ sĩ của Nhạc viện Hà Nội có cơ hội được nâng cao trình độ biểu diễn .
Việc thực hiện thành công dự án phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc tiến tới hội nhập với thế giới.
|
|
|
|
Các tin khác
|
Dự án hợp tác với Nhạc viện Quốc gia Matxcơva mang tên Tchaikovsky
(12/08/2009) Dự án hợp tác với Viện hàn lâm Âm nhạc Malmo Thuỵ Điển
(12/08/2009) Dự án giảng dạy âm nhạc truyền thống tại các trường tiểu học Hà Nội
(12/08/2009)
|
|
|
|
Quảng cáo
|